Biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ là gì? Có những dấu hiệu nào nhận biết biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ? Mẹ cần phải làm gì khi con bị biếng ăn sinh lý?
Tất cả những thắc mắc này sẽ được các chuyên gia dinh dưỡng giải đáp dưới đây. Các mẹ cùng theo dõi nhé.
1. Biếng ăn sinh lý là gì?
Biếng ăn sinh lý là sự hiện tượng bé đột ngột lười ăn trong khoảng 1, 2 ngày hoặc có thể kéo dài 1, 2 tuần. Xuất hiện nhiều lần trong suốt quá trình lớn lên của bé. Nhưng không phải do bệnh lý hay tâm lý gây nên mà là do sự thay đổi về sinh lý trong một số thời kỳ đánh dấu sự phát triển của trẻ.
Các giai đoạn phát triển bé thường gặp phải tình trạng biếng ăn là: Khi bé mọc răng, khi bé biết lẫy, tập bò, tập đi,… Những lúc này cơ thể có sự thay đổi về mặt sinh lý. Đồng thời bé trở nên thích khám phá mọi thứ xung quanh hơn là hứng thú với việc ăn uống.
Biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ thường không nguy hiểm gì. Tuy nhiên nếu mẹ không theo dõi, để ý thì biếng ăn sinh lý có thể biến thành biếng ăn tâm lý, rất khó để khắc phục.
2. Dấu hiệu biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ
Biếng ăn ở trẻ nhỏ thường có 3 loại chính là:
- Biếng ăn tâm lý.
- Biếng ăn sinh lý
- Biếng ăn bệnh lý.
Mỗi loại biếng ăn sẽ có những dấu hiệu nhận biết khác nhau để phân biệt. Các dấu hiệu biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ:
2.1. Sức ăn giảm đột ngột
Bước vào giai đoạn biếng ăn sinh lý trẻ thường giảm đột ngột sức ăn. Nếu như bình thường bé ăn hết khẩu phần ăn của mình thì lúc này bé thường ăn ít hơn, bé chỉ ăn 1 vài thìa.
Thậm chí là không ăn kể cả những món từng thích dù không bị bất kỳ ảnh hưởng tâm lý nào như bị ép ăn uống kéo dài.
2.2. Trẻ từ chối ăn, ăn hay ngậm, lười nuốt
Trẻ bỗng nhiên ăn ít hoặc từ chối ăn dù cho đó là món ăn mà bình thường bé vẫn rất thích là một trong những dấu hiệu đặc trưng của biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó thì bé còn ngậm thức ăn trong miệng mà không chịu nhai, không chịu nuốt.
Điều này cũng khiến cho bữa ăn của bé kéo dài cả tiếng đồng hồ vẫn chưa ăn xong. Trong khi đó theo các chuyên gia dinh dưỡng:
- Bữa ăn của trẻ nhỏ với bữa chính tốt nhất là ăn trong khoảng 30 phút
- Bữa ăn của trẻ nhỏ với bữa phụ là khoảng 20 phút.
2.3. Quá hiếu động, nghịch ngợm không thiết ăn uống
Vào các giai đoạn như bé tập bò, tập đi … bé thường thích thú khám phá những điều mới lạ từ môi trường xung quanh hơn là việc ăn uống. Nhiều bé còn trở nên hiếu động, nghịch ngợm, vui chơi quên cả đói, quên cả ăn.
2.4. Biếng ăn song cân nặng, chiều cao không bị ảnh hưởng nhiều
Biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ khác với biếng ăn tâm lý hay biếng ăn bệnh lý là trong giai đoạn biếng ăn cân nặng và chiều cao của trẻ gần như không thay đổi hoặc không bị ảnh hưởng nhiều.
Ngoài ra trẻ biếng ăn sinh lý sức khỏe vẫn bình thường. Trẻ vẫn sẽ vui chơi, ngủ nghỉ như bình thường mà không có bất kỳ tác động xấu nào tới sức khỏe.
2.5. Trẻ biếng ăn không phải do mắc bệnh lý
Ngoài các dấu hiệu điển hình của biếng ăn sinh lý kể trên thì trẻ biếng ăn sinh lý khác với biếng ăn bệnh lý là:
- Trẻ không mắc các bệnh lý dễ gây biếng ăn: Âm hư, sốt, cảm cúm, viêm xoang, viêm phổi … là những bệnh lý trẻ nhỏ thường gặp phải. Do các bộ phận, chức năng trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng, hệ miễn dịch còn kém nên dễ bị các tác nhân từ môi trường tác động.
- Không dùng thuốc: Biếng ăn sinh lý ở trẻ không cần phải sử dụng loại thuốc kháng sinh hay thuốc chữa bệnh nào để điều trị như khi trẻ biếng ăn bệnh lý (cần sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chữa bệnh để trị bệnh).
- Hệ tiêu hoá vẫn bình thường: Trẻ biếng ăn sinh lý hệ tiêu hóa vẫn bình thường. Trẻ sẽ không gặp phải tình trạng không tốt nào cho hệ tiêu hóa như đau bụng, táo bón, đầy hơi, co thắt dạ dày… mà trẻ vẫn đi vệ sinh bình thường, đều đặn.
3. Các giai đoạn biếng ăn sinh lý của trẻ
Biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ có thể xảy ra ở các giai đoạn phát triển khác nhau tương ứng với những sự thay đổi về sinh lý của cơ thể. Cụ thể:
3.1. Giai đoạn bé được 3 – 4 tháng tuổi
Đây là giai đoạn bé biết lẫy, biết ngửa cổ, biết nhìn xung quanh và khám phá những thứ xung quanh.
3.2. Giai đoạn từ bú mẹ sang ăn dặm
Đây là thời kỳ bé được khoảng 4 – 5 tháng tuổi. Lúc này ngoài sữa mẹ là thức ăn chính thì bột ăn dặm, bánh ăn dặm cũng bắt đầu được mẹ tập cho bé ăn.
3.3. Giai đoạn tập bò, tập đứng, tập đi
Là giai đoạn bé được từ 9 – 10 tháng tuổi. Lúc này bé bắt đầu tập bò, tập đứng, tập đi vì thế bé thích thú với những thay đổi mới lạ này của cơ thể. Bé thích thú để khám phá môi trường xung quanh và nghịch ngợm hơn.
3.4. Giai đoạn mọc răng
Những chiếc răng sữa đầu tiên bắt đầu mọc khi bé bắt được được khoảng từ 6 tháng tuổi. Mọc răng thường khiến bé biếng ăn trong khoảng 1, 2 ngày đầu. do lúc này răng nhú đến làm lợi có các tổn thương như bị sưng, đau, ngứa khiến bé khó chịu và không muốn ăn uống hay thậm chí là không cả muốn bú mẹ.
Ngoài ra bé biếng ăn sinh lý cũng có thể có những đợt biếng ăn không rõ nguyên nhân kéo dài vài ngày. Sau vài ngày bé lại ăn uống bình thường mà không có bất kỳ ảnh hưởng xấu nào tới sức khỏe hay tâm lý của trẻ.
Xem thêm chi tiết nguyên nhân cách khắc phục cho: Trẻ 5 tháng biếng ăn
4. Mẹ cần làm gì khi trẻ đến tuần biếng ăn sinh lý?
Bé biếng ăn sinh lý là hiện tượng bình thường và xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ do những thay đổi sinh lý trong các giai đoạn phát triển. Ở những thời kỳ này trẻ cần thời gian để thích nghi với những thay đổi trong cơ thể, chính vì vậy mẹ không cần quá lo lắng.
Tình trạng này thường chỉ kéo dài 1 vài ngày hoặc 1 vài tuần. Tuy nhiên để giúp con vượt qua những “khủng hoảng” này mẹ có thể giúp con bằng cách.
4.1. Theo dõi các biểu hiện của con
Theo dõi các biểu hiện của con xem con có bị hắt hơi, sổ mũi, sốt hay không để có biện pháp xử lý phù hợp.
4.2. Không ép,dọa nạt hay quát mắng con
Không ép hay dọa nạt, quát mắng con bởi hành động đó có thể khiến con bị sợ hãi dẫn tới tâm lý sợ khi đến bữa ăn, có thể gây nên chứng biếng ăn tâm lý rất khó chữa.
Thay vào đó mẹ hãy nhẹ nhàng, kiên trì giới thiệu các món ăn vì trẻ nhỏ rất dễ “mủi lòng” nên việc kiên trì giới thiệu món ăn sẽ giúp con đổi ý, không từ chối món ăn nữa.
4.3. Chia nhỏ bữa ăn
Chia nhỏ bữa ăn cũng là một cách xử lý hiệu quả để giúp con không cảm thấy quá nhiều thức ăn trong một bữa nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cung cấp cho con mỗi ngày.
4.4. Chế biến món ăn đa dạng, trang trí đẹp mắt
Chế biến món ăn đa dạng và trang trí món ăn đẹp mắt, bắt mắt hơn. Một thực đơn bữa ăn phong phú cùng với hình thức đẹp (mẹ có thể trang trí hoa lá cành hoặc những con vật ngộ nghĩnh mà con yêu thích) để kích thích con ăn nhiều hơn.
4.5. Giúp bé tập trung trong bữa ăn
Không nuông chiều con, không cho con xem tivi, điện thoại, ipad… khi đến bữa mà nên giúp con tập trung ăn uống, con sẽ không bị phân tâm mà sẽ ăn nhanh hơn.
Đọc thêm:
- Chữa biếng ăn thuận tự nhiên cho trẻ
- Trẻ biếng ăn phải làm sao? (12 điều mẹ cần làm ngay từ bây giờ)
- Trẻ biếng ăn nên khám ở đâu?
Trẻ biếng ăn sinh lý bố mẹ không cần quá lo lắng. Chỉ cần tinh tế và quan sát trẻ kỹ hơn một chút thì việc biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ sẽ nhanh chóng được bố mẹ nhận thấy và khắc phục kịp thời.
“Với 9 năm kinh nghiệm là chuyên gia tư vấn hàng đầu về Y dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, tôi không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đem lại những thông tin hữu ích cho người bệnh.”
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.