Rôm sảy ở trẻ nhỏ mặc dù không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều khó chịu cho con. Vậy có những cách trị rôm sảy cho bé nào hiệu quả mà an toàn? Cùng Forikid TW3 tìm hiểu ngay qua bài viết ở dưới đây nhé.
1. Rôm sảy ở trẻ do đâu?
Theo các bác sĩ da liễu, rôm sảy là một chứng bệnh ngoài da. Những biểu hiện, dấu hiệu rôm sảy ở trẻ rõ nhất là đốm mụn đỏ và nhỏ như đầu đinh, ngứa, tụ thành đám hơi mẩn đỏ, có thể có nước dịch trong. Rôm sảy thường xuất hiện ở mặt, chân, tay, ngực của trẻ.
Các nguyên nhân gây rôm sảy ở trẻ có thể liệt kê như:
- Tuyến mồ hôi chưa hoàn thiện: Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ứ đọng mồ hôi trên da và vi khuẩn có thể xâm nhập khiến cơ thể bị mắc chứng viêm da hoặc bệnh rôm sảy.
- Môi trường thời tiết xung quanh: Thời tiết quá nóng, oi bức kích thích sự tiết mồ hôi nhiều của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến gia tăng số lượng mồ hôi tiết ra của cơ thể nhưng không thoát hơi được dẫn đến mắc bệnh rôm sảy.
- Cơ thể của trẻ đang bị nóng: Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, các chất dịch tiết ra cũng dày hơn. Chứng nóng trong người cũng ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và tiêu hoá thức ăn ở trẻ nhỏ.
- Tuyến mồ hôi bít tắc, không thoát được: Có thể do quần áo chật, bố mẹ cho trẻ mặc áo có chất liệu không thấm hút mồ hôi khiến cho làn da của trẻ đã nóng còn nóng hơn. Một số bé bị vì thường xuyên mặc tã, quần áo chật tăng khả năng bít tắc tuyến mồ hôi.
2. Cách trị rôm sảy cho bé hiệu quả nhất
2.1. Tắm lá để trị rôm sảy cho bé
Theo Đông y, cách tắm lá trị rôm sảy ở trẻ là bài thuốc tự nhiên hữu hiệu mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé. Nhưng mẹ chỉ áp dụng phương pháp này khi trẻ bị rôm sảy nhẹ. Không nên tắm với nước lá quá đặc vì bột lá có thể khiến vết rôm sảy lan rộng.
Một số loại lá tốt nhất để tắm cho trẻ bố mẹ có thể tham khảo như:
- Lá kinh giới: Đây là rau thơm, cũng là thảo dược có chứa nhiều thành phần kháng sinh tự nhiên. Lá kinh giới được sử dụng chữa trị các bệnh da liễu như mụn nhọt, mẩn ngứa và rôm sảy.
- Lá chè xanh: Chè xanh có vị chát ngọt, không độc và tốt trong thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Đồng thời, EGCG có trong chè xanh còn thúc đẩy sự tái sinh cấu trúc da và tăng khả năng miễn dịch trên cơ thể.
- Lá trầu không: Trong lá trầu không có chất diệt khuẩn, kháng viêm và khử trùng. Một số loại bệnh lý như rôm sảy hay mẩn ngứa đều có thể sử dụng lá này để chữa trị.
- Lá khế: Lá khế chua có tính lạnh, khả năng tản nhiệt và lợi tiểu. Khế cũng có tác dụng trị lở, mụn nhọt và mề đay do cơ thể tích nhiệt.
- Lá dâu tằm: Đây là lá có tính hàn, khả năng tản nhiệt cao và có thể trị bệnh rôm sảy ở trẻ nhỏ nhanh chóng.
2.2. Cách trị rôm sảy cho bé bằng thực phẩm
Thông qua bổ sung thực phẩm lành mạnh bạn có thể giúp con cải thiện bệnh từ bên trong. Hãy ưu tiên chọn những loại thực phẩm mát cho cơ thể, có tính giải nhiệt cao. Có rất nhiều những món ăn, thực phẩm giúp trị rôm sảy ở bé. Tuy nhiên bạn nên ưu tiên các thực phẩm có chứa nhiều Vitamin C để giảm nóng trong, hết rôm sảy.
Các thực phẩm có thể bổ sung gồm:
- Rau xanh: rau má, rau mồng tơi, rau ngót, rau dền… chứa nhiều vitamin A, B cùng hàm lượng lớn canxi… giúp cải thiện tình trạng cơ thể thiếu máu, điều hoà nhanh và giải độc, trị mụn nhọt.
- Hoa quả: Cam, chanh, bưởi, táo… là nguồn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất. Nhờ vậy góp phần thải độc tố, thanh lọc cũng như làm mát cơ thể vô cùng hiệu quả.
- Các loại đậu: Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ… là nguồn thực phẩm bổ dưỡng giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể nhanh chóng. Bạn có thể nấu chè, cháo hoặc canh đều được.
2.3. Đảm bảo da và thân thể bé luôn được vệ sinh sạch sẽ
Ngoài các vấn đề về dinh dưỡng, vệ sinh cũng là điểm quan trọng tiếp theo bạn cần lưu ý khi trẻ bị rôm sảy mẩn ngứa.
Việc vệ sinh da giúp con tránh được các tác nhân do vi khuẩn gây nên như kích ứng, rôm sảy và ngứa ngáy. Thông qua vệ sinh da, các tuyến mồ hôi bị bít tắc được giải phóng, làm sạch. Từ đó thông thoáng lỗ chân lông khiến cho mồ hôi thoát ra ngoài và tình trạng bệnh cũng được phục hồi.
Mẹ nên tắm cho bé 1 lần/ngày, lau mồ hôi thường xuyên bằng khăn sạch và mềm.
2.4. Sử dụng các sản phẩm bôi da
Đây là cách chữa rôm sảy cho trẻ nhanh chóng nhưng cần tuân thủ theo ý kiến của chuyên gia, bác sĩ. Một số sản phẩm có thể chọn trị bệnh rôm sảy như:
- Phấn rôm: chỉ dùng khi mới bị rôm sảy và chưa bị vỡ hay chảy nước. Thoa phấn mỏng, 1 lần/ngày để tránh bí lỗ chân lông.
- Kem trị rôm sảy: ưu tiên chọn sản phẩm bào chế từ thiên nhiên, không chứa các chất kích ứng da.
Lưu ý: khi chọn kem cần xem thành phần của kem, độ tuổi sử dụng. Tốt nhất nên hỏi ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng trên cơ thể bé.
2.5. Trị rôm sảy bằng một số bài thuốc dân gian
Bố mẹ có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian để chữa rôm sảy cho trẻ. Tuy nhiên những phương pháp này cần thông qua chuyên gia trước khi thực hành, vì bạn không biết được con bạn sẽ có những phản ứng cơ thể như thế nào.
Hai bài thuốc dân gian phổ biến gồm:
- Lá sài đất, lá ngải cứu, lá nhài: 30g lá ngải, 50g lá nhài và 20g sài đất. Sau khi rửa sạch, sắc lấy nước uống 1 tháng. Ngày uống 2 đến 3 lần.
- Rễ cây hẹ, lá hành tươi sao khô: 60g cây hẹ, lá hành. Rễ hẹ sắc uống trong 1 tháng. Còn lá hành thì giã nát và làm nóng. Đắp lên vùng da bị rôm sảy sẽ có hiệu quả.
3. Một số cách phòng chống rôm sảy ở trẻ hiệu quả
Cơ thể mát mẻ, không đọng mồ hôi và sạch sẽ là yếu tố tiên quyết ngăn ngừa rôm sảy cũng như các bệnh ngoài da khác. Mẹ nên:
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi: Hạn chế cho bé mặc quần áo bó hoặc chất liệu không thấm hút mồ hôi.
- Không gian sinh hoạt thoáng mát: Không gian ngủ nghỉ cần rộng và có ánh sáng.
- Giữ vệ sinh thân thể tốt cho bé: Thường xuyên tắm cho con và khuyến khích con hình thành thói quen vệ sinh thân thể mỗi ngày.
- Đảm bảo vệ sinh vật dụng của bé: Giặt và hong khô chăn, gối, ga… dưới nắng thường xuyên để tránh bụi bẩn hoặc ẩm mốc.
- Không để trẻ gãi nốt rôm sảy: Không có con gãi vì có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
- Không sử dụng quá dày phấn, kem bôi: vì có thể gây bít tắc và rôm sảy lan rộng.
4. Khi nào cần đưa bé tới bác sĩ
Với những trường hợp sau, đưa trẻ đến các cơ sở y tế là điều mà mẹ nên thực hiện. Tại đây các bác sĩ sẽ biết tình hình và có cách chữa trị rôm sảy ở trẻ em tốt nhất.
- Bị rôm sảy trong thời gian dài: Nếu như tình trạng rôm sảy ở trẻ diễn ra trong thời gian dài, quá 10 ngày. Dù đã thử nhiều phương pháp nhưng tình trạng bệnh không suy giảm.
- Rôm sảy cứ hết rồi lại bị nhiều lần: Tình trạng rôm sảy ở trẻ lặp đi lặp lại nhiều lần. Rôm sảy không thể chữa tận gốc dù bạn đã làm đúng những hướng dẫn nói trên.
- Xuất hiện thêm nhiều biểu hiện khác: Quấy khóc, sốt, biếng ăn… Ảnh hưởng của rôm sảy đến các chức năng khác của cơ thể là không thể xem nhẹ. Bố mẹ cần lưu ý vấn đề này và sắp xếp điều trị bệnh cho con ngay từ sớm.
Hy vọng với những thông tin và kiến thức ở trên đây, các mẹ đã hiểu thêm về rôm sảy cũng như có cách trị rôm sảy cho bé an toàn mà hiệu quả. Từ đó giúp bé phát triển đều đặn và lớn nhanh hơn!
“Với 9 năm kinh nghiệm là chuyên gia tư vấn hàng đầu về Y dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, tôi không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đem lại những thông tin hữu ích cho người bệnh.”
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.