[REVIEW] Cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng

Đăng bởi Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền | Đăng lúc : 15/03/2023 10:36:03

Nếu mẹ đang băn khoăn tìm cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng thì hãy tham khảo kinh nghiệm thực tế của mẹ bỉm sữa này ngay nhé.

Giúp trẻ ăn dặm ngon miệng không phải là điều dễ dàng

Giúp trẻ ăn dặm ngon miệng không phải là điều dễ dàng

Mẹ Yến chia sẻ:

Đa số các mẹ đã và đang nuôi con đều đau đầu khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm. Đây là lúc con bắt đầu quấy khóc nhiều, khó chịu thậm chí bất hợp tác. Từng trải qua giai đoạn ăn dặm cùng con nên mình rất hiểu những khó khăn mà mẹ gặp phải.

Từng mất ăn mất ngủ, tìm hiểu kha khá thông tin trên mạng. Rồi cặm cụi áp dụng từng phương pháp một, cho đến khi con thích nghi dần với việc ăn dặm. Cho đến bây giờ khi sinh bé thứ hai, mình đã tích lũy kha khá kinh nghiệm. Mẹ nào đang tìm một giải pháp ăn dặm cho bé thì bài viết này là dành cho các bạn. Hãy cùng lắng nghe những kinh nghiệm của mình nhé.

1. Tầm quan trọng của việc ăn dặm

Ăn dặm là bước chuyển từ chế độ ăn hoàn toàn sữa mẹ sang chế độ có thức ăn đặc.

  • Trẻ ăn dặm quá sớm có thể gây ra rối loạn tiêu hóa và tình trạng kém hấp thu. Điều này là do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện.
  • Trẻ ăn dặm quá muộn, sữa mẹ sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Vì thế gây ra nhiều hậu quả tới sức khỏe của trẻ như: Trẻ biếng ăn, còi xương, chậm lớn, rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng với thức ăn… .

Từ 6 tháng tuổi bé có thể bắt đầu ăn dặm. Đây là giai đoạn mà hệ tiêu hóa của trẻ đã hoàn chỉnh hơn so với trước. Lúc này trẻ đã có thể tiêu hóa các thức ăn ngoài sữa mẹ.

2. Nguyên tắc ăn dặm

Theo chuyên gia dinh dưỡng, giai đoạn ăn dặm của trẻ cần tuân theo nguyên tắc nhất định. Mục đích là để tối ưu việc tiêu hóa, hấp thu đảm bảo cho bé phát triển khỏe mạnh.

2.1. Cho con ăn dặm theo đúng độ tuổi

Tùy thuộc vào độ tuổi mà mẹ có một chế độ ăn dặm cho bé

Tùy thuộc vào độ tuổi mà mẹ có một chế độ ăn dặm cho bé

Tùy từng độ tuổi, trẻ có đặc điểm tiêu hóa, nhu cầu năng lượng khác nhau. Vì vậy khi áp dụng các cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng mẹ cần lưu ý:

Từ 6-8 tháng tuổi: Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình ăn dặm. Các thực phẩm như củ cải, khoai tây, khoai lang, cà rốt phải được xay nhuyễn rồi nấu chín mềm. Không được để trẻ ăn thực phẩm tươi sống. Vì như thế trẻ rất dễ bị nôn trớ, rối loạn tiêu hóa.

Trẻ từ 8-9 tháng tuổi: Lúc này mẹ có thể cho bé ăn 3 bữa/ngày. Mẹ có thể kết hợp thức ăn xay nhuyễn với một số đồ ăn bé có thể cầm nắm được. Mẹ nên đa dạng khẩu phần ăn dặm bằng thực phẩm như: Trái cây, rau củ, bánh mì, mì ống, khoai tây và các loại thực phẩm giàu tinh bột khác.

Từ 9-12 tháng tuổi: Bé có thể ăn bột, cháo đặc 2-3 bữa/ngày với khoảng 2/3 bát mỗi lần ăn. Mẹ nên cho bé ăn thêm trái cây tươi và các loại thực phẩm mềm như: Pho mát, bánh flan, rau câu, tào phớ. Tuy nhiên sữa mẹ vẫn là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày của bé.

Khi trẻ được 1 tuổi trở lên: Mẹ nên để cho bé ăn nhiều loại thức ăn và ăn 4 bữa/ngày. Trong một bữa cần cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm: Tinh bột; trứng hoặc thịt, cá; rau và dầu mỡ.

2.2. Cho bé ăn từ lỏng đến đặc

Đầu tiên mẹ nên để trẻ ăn bột loãng từ 2-3 ngày. Sau đó tăng dần độ đặc lên, từ bột đến cháo rây, cháo nguyên hạt, cơm nát… Cho trẻ ăn các loại đồ ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt. Vì giai đoạn này trẻ chưa mọc răng hoặc rất ít răng.

2.3. Ít đến nhiều

Lúc bắt đầu ăn dặm, mẹ nên luyện tập cho bé ăn từng chút một. Vài ba bữa đầu tiên trẻ chỉ nên ăn một lượng nhỏ từ 5-10ml thức ăn. Sau đó, mẹ có thể tăng lượng ăn dần dần để hệ tiêu hóa của bé có thời gian làm quen và thích nghi.

2.4. Bữa ăn của bé phải đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất

Đối với trẻ nhỏ, một cơ cấu ăn đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất: Đạm- đường- béo- vitamin là điều cần thiết. Đây là những nhóm chất quan trọng để trẻ tăng trưởng và phát triển.

  • Nhóm bột đường: Đây là nhóm cung cấp năng lượng hàng ngày cho bé.
  • Chất béo: Chất béo đóng vai trò cung cấp năng lượng và là thành phần của màng tế bào và mô não. Chất béo giúp các vitamin tan trong dầu (A,D,E,K…) được hòa tan hấp thu vào cơ thể.
  • Chất đạm: Chất đạm cung cấp acid amin cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của tế bào. Mẹ nên xây dựng thực đơn có chất đạm hài hòa giữa đạm thực vật và động vật để bé hấp thu tốt nhất.
  • Vitamin: Vitamin và chất xơ hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động một cách tốt nhất.

3. Cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng

Ngoài việc xây dựng thực đơn hợp lý khoa học với đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng, mẹ nên tham khảo một số cách sau đây để giúp trẻ ăn dặm ngon miệng.

3.1. Thay đổi thực đơn liên tục cho bé

Thay đổi thực đơn thường xuyên giúp trẻ ăn ngon miệng hơn

Thay đổi thực đơn thường xuyên giúp trẻ ăn ngon miệng hơn

Việc thay đổi thực đơn cho trẻ là cách đơn giản để giúp bé ăn ngon hơn. Những đứa trẻ luôn thích điều mới lạ, thích tìm tòi học hỏi xung quanh.

Vì vậy, bữa ăn có nhiều món hấp dẫn luân phiên thay đổi trẻ sẽ hứng thú và thèm ăn. Do đó, mẹ nên làm phong phú thực đơn bằng các món ăn khác nhau cho bé.

3.2. Kích thích thị giác của bé

Mẹ nên biết rằng màu sắc món ăn ảnh hưởng tới sự ngon miệng của trẻ theo một cách đáng ngạc nhiên. Mẹ nên tăng cường các thực phẩm: xanh lá cây, màu vàng, da cam, màu đỏ nhằm kích thích sự hứng thú và cảm giác ngon miệng ở trẻ. Mẹ có thể áp dụng ngay 3 cách sau:

  • Sáng tạo món ăn

Phối hợp nhiều nguyên liệu có màu sắc bắt mắt, cùng cách chế biến độc đáo, mùi vị hấp dẫn sẽ làm nên điểm nhấn trong bữa ăn dặm dành cho con trẻ. Bé sẽ hứng khởi hơn với thực phẩm mới, cách chế biến mới hoặc màu sắc rực rỡ từ đó bé có thể ăn nhiều hơn bình thường

  • Trang trí đẹp mắt

Những món ăn trang trí đẹp mắt sẽ hấp dẫn bé ngay từ cái nhìn đầu tiên, góp phần kích thích vị giác khiến con ăn nhiều hơn.

  • Hình mà bé thích

Hầu hết các bé đều cảm thấy hứng thú với bữa ăn, nếu xuất hiện các hình ảnh ngộ nghĩnh hoặc nhân vật hoạt hình mà bé thích. Được làm bạn với những đồ vật đáng yêu trong mỗi bữa ăn sẽ giúp bé hào hứng và ăn ngon miệng hơn.

3.3. Kích thích vị giác

Phát triển vị giác là một phần không thể thiếu trong quá trình học hỏi môi trường xung quanh của một đứa trẻ. Kích thích vị giác là một cách giúp bé:

  • Có cảm giác ngon miệng.
  • Hào hứng với món ăn.
  • Dễ dàng tiếp nhận thực phẩm mới.
  • Phát triển các giác quan khác.

Mẹ có thể chế biến nhiều món với đủ vị chua, mặn, ngọt vừa phải, để trẻ nếm thử từng chút một, cách này giúp trẻ kích thích vị giác toàn diện. Tuy nhiên, mẹ lưu ý, khẩu vị của trẻ sẽ nhạt hơn so nêm nếm thức ăn cho người lớn.

3.4. Cho bé chơi với đồ ăn

Bé hứng thú hơn với việc ăn uống khi được tự ăn

Bé hứng thú hơn với việc ăn uống khi được tự ăn

Một cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng không kém phần thú vị là mẹ nên để trẻ tự chơi với đồ ăn. Mẹ có thể sắm cái ghế tập ăn, cho bé ngồi, để thức ăn vào bát, rồi có thể hướng dẫn trẻ tự xúc ăn. Đối với trẻ lớn tuổi hơn, mẹ có thể để trẻ tự cầm nắm thức ăn nhưng phải bảo đảm tay bé sạch sẽ trước khi ăn.

3.5. Kiên nhẫn và khen thưởng bé

Trong trường hợp mẹ áp dụng nhiều cách nhưng trẻ vẫn kém ăn, biếng ăn. Lời khuyên đầu tiên dành cho các mẹ là nên kiên nhẫn áp dụng một số cách làm khác. Mẹ nên hướng dẫn bé một cách từ từ, không nóng vội, để bé thích nghi dần dần. Trong quá trình này mẹ có thể khen thưởng bé nếu bé nhà mình làm tốt.

3.6. Không tivi – không đi rong- không đồ chơi

Nguyên tắc bất di bất dịch trong quá trình ăn dặm đó là mẹ không nên dụ dỗ trẻ ăn bằng cách xem ti vi, đi rong hoặc đồ chơi trong lúc ăn. Lâu dần sẽ tạo thói quen không tốt, ảnh hưởng tới bộ máy tiêu hóa, khiến trẻ mất tập trung, gây khó khăn trong việc giúp trẻ ăn uống tự lập.

3.7. Cho bé ăn cùng gia đình

Thay vì để trẻ ăn trước cả nhà, thì hãy cho trẻ ăn cơm cùng các thành viên trong gia đình. Nhìn mọi người ăn uống ngon miệng sẽ khiến bé vui vẻ, hứng thú với việc ăn uống. Trẻ có thể bốc tay đồ ăn và học hỏi cách người lớn xúc, gắp đồ ăn.

3.8. Để bé tự ăn

Thay vì bắt ép trẻ, dọa nạt để trẻ ăn được nhiều hơn. Mẹ hãy để trẻ làm chủ bữa ăn của mình bằng cách tự xúc hoặc bốc tay đồ ăn.

Thời gian đầu bé có thể làm dây thức ăn ra xung quanh, nhưng dần dần bé sẽ quen với việc tự lập trong khi ăn. Cách làm này sẽ tạo tâm lý thoải mái và cảm giác hứng thú hơn với đồ ăn từ đó kích thích trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt hơn.

4. 3 phương pháp ăn dặm cho bé

Là bà mẹ hai con, mình có khá nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi con trong giai đoạn ăn dặm. Giai đoạn bé vừa tròn 6 tháng tuổi là lúc mẹ chồng mình lên chăm cháu rất hay cho bé đi rong để ăn, đến nỗi mà sau này bà về, mình rất khó để bé có thể tự lập ăn uống.

Đến tận tháng thứ 8, việc ăn uống của bé mới bắt đầu xuôi xuôi, dễ thở hơn. Nhờ việc áp dụng chế độ ăn dặm một cách kiên trì mà mình đã uốn nắn được bé một cách thành công. Trộm vía, đến đứa thứ hai mình có cả rổ rá kinh nghiệm cho bé ăn dặm. 

Nếu bạn là một người mẹ nuôi con lần đầu và đang bối rối chưa biết áp dụng phương pháp ăn dặm nào cho bé, thì bạn nên tìm hiểu ba phương pháp sau đây.

4.1. Phương pháp truyền thống

Đây là cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng phổ biến với các bà mẹ Việt, mẹ đút bé ăn bằng muỗng, bé chỉ có nhiệm vụ nuốt thức ăn. Bé sẽ ăn bột xay chung cùng rau củ, thịt cá xay nhuyễn từ lúc bắt đầu ăn dặm.

Ưu điểm:

  • Ngay từ đầu, bé đã có thể ăn số lượng nhiều nên dễ hấp thu, tăng cân tốt.
  • Thức ăn được xay nhuyễn nên tránh tổn thương hệ tiêu hóa
  • Cách thực hiện  đơn giản, không cần chế biến cầu kỳ, và mất quá nhiều thời gian.
  • Dễ được mọi người trong gia đình ủng hộ và chấp nhận.

Nhược điểm:

  • Ảnh hưởng tới khả năng ăn thô của bé, về lâu dài có thể khiến phản xạ nhai và nuốt cho bé kém hơn so với trẻ khác.
  • Ăn một lúc nhiều thực phẩm vì vậy nếu bé bị dị ứng với một thành phần nào đó, mẹ sẽ rất khó để phát hiện ra. Hơn nữa, việc ăn tổng hợp khiến bố mẹ không biết được đâu là thức ăn ưa thích của bé.
  • Thực phẩm xay nhuyễn và trộn lẫn cùng nhau khiến bé rất khó phân biệt mùi vị của từng loại, vì thế sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển vị giác của bé sau này, dẫn đến khó hòa nhập vào bữa cơm gia đình.

4.2. Phương pháp ăn dặm ADKN ( Ăn dặm kiểu Nhật)

Đồ ăn của bé được chế biến riêng với độ thô thích hợp

Đồ ăn của bé được chế biến riêng với độ thô thích hợp

Bé được ăn cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10 chứ không quấy bột. Các loại thức ăn khác nhau như rau, thịt  được chế biến riêng với độ thô thích hợp. Khi ăn bé được đặt ngồi lên ghế như người lớn, bố mẹ không rong đi chơi, xem tivi hay chơi đồ chơi khác khi ăn. Trong quá trình ăn, mẹ không hối thúc bé.

Ưu điểm:

  • Vì bé được tập cho ăn thức ăn thô sớm hơn nên hình thành phản xạ nhai nuốt tốt, điều này giúp tiêu hóa thức ăn một cách tốt hơn.
  • So với ăn dặm truyền thống, bé có dịp làm quen với mùi vị từng loại thực phẩm một cách hứng thú mà không có tâm lý chán ăn
  • Phương pháp này tốt cho thận của bé.
  • Để bé tự lập trong suốt quá trình ăn, tạo cho bé tâm lý thoải mái, vui vẻ
  • Giúp bé tập trung vào bữa ăn, ăn được nhiều hơn nhanh hơn khi ngồi ăn vào ghế.

Nhược điểm:

  • Mẹ sẽ mất nhiều thời gian và công sức : dạy bé ngồi, tập cho bé cầm thìa, và thời gian đầu sẽ khó nhận được sự hợp tác từ bé.
  • Để chế biến từng loại thức ăn trong thực đơn ăn dặm kiểu Nhật, mẹ phải chuẩn bị cầu kì hơn, tốn nhiều thời gian chế biến từng món.

4.3. Phương pháp ăn dặm BLW

Bé tự quyết định mình ăn gì và ăn bao nhiêu

Bé tự quyết định mình ăn gì và ăn bao nhiêu

Khác hoàn toàn với hai phương pháp trên, cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng BLW là không xay nhuyễn thức ăn cũng như dùng thìa đút cho con mà để bé tự ăn hoàn toàn.

Bé sẽ tự cầm tay bốc ăn, mẹ chỉ là người hướng dẫn bé cách đưa thức ăn vào miệng và bảo đảm an toàn cho bé trong bữa ăn. Bé được ngồi ăn cùng cả nhà và các thức ăn được chuẩn bị cho bé được hầm mềm. Bé sẽ tự ăn những gì bé thích bằng cách cầm nắm bằng tay, ngay từ đầu bé đã được huấn luyện ăn thức ăn thô như người lớn.

Ưu điểm:

  • Giúp bé kiểm soát thức ăn và phát triển kỹ năng nhai nuốt.
  • Bé sẽ cảm thấy thú vị và hứng thú đối với tìm hiểu thành phần thực phẩm, màu sắc, mùi vị của từng loại, và hơn hết có thái độ tích cực khi ăn
  • Bé có xu hướng tham gia vào bữa ăn gia đình sớm mà không gặp trở ngại nào. Bé có thể ăn đa dạng như người lớn.

Nhược điểm:

  • Bé sẽ dễ có nguy cơ hóc đồ ăn hơn so với trẻ bình thường. Bé có đường ruột kém dễ bị rối loạn tiêu hóa do tiếp xúc với thức ăn thô.
  • Vì để bé kiểm soát quá trình ăn nên sẽ không chú trọng nhiều vào chất và lượng thức ăn vì thế cân nặng của bé dễ bị chứng hoặc sụt cân.
  • Thời gian đầu khi chưa quen, bé chưa thích nghi với kiểu ăn dặm này, hầu như không ăn được gì.
  • Mẹ còn phải tốn khá nhiều thời gian để dọn dẹp chiến trường sau bữa ăn của bé.

Mình có một lời khuyên chân thành gửi tới các mẹ là nên áp kết hợp các phương pháp này với nhau, thay vì dùng đơn độc một phương pháp. Cách làm này sẽ hạn chế các nhược điểm của từng loại và giúp cho quá trình ăn dặm của bé trở nên dễ dàng hơn.

5. Một số món ăn dặm kích thích trẻ ăn ngon

Với các bé từ 6 tháng tuổi sẽ được làm quen với bột ăn dặm ngay từ ngày đầu. Mẹ nên kết hợp các loại rau, củ, thịt cá, trứng sữa…. để bữa ăn của con trở nên phong phú hơn. Mẹ có thể tham khảo một vài công thức bột ăn dặm sau đây:

5.1. Bột ăn dặm sữa và bí đỏ

Nguyên liệu: 20g bột gạo, 15g sữa bột, 30g bí đỏ

Cách nấu: Mẹ gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng đem hấp chín, xay nhuyễn bằng máy sinh tố. Cho 20g bột gạo, 3 thìa bí đỏ cùng 200ml nước vào nồi, đun sôi, mẹ lưu ý phải khuấy đều tay cho tới chín. Thêm một thìa dầu ăn, cuối cùng cho 15g sữa bột khuấy đều và cho bé dùng.

5.2. Bột ăn dặm khoai lang nghiền

Bột ăn dặm khoai lang nghiền món ăn bổ dưỡng đơn giản dễ làm cho người bận rộn

Bột ăn dặm khoai lang nghiền món ăn bổ dưỡng đơn giản dễ làm cho người bận rộn

Nguyên liệu: 15g khoai lang gọt vỏ, cắt nhỏ. 25g bột ăn dặm chế biến sẵn, 75ml nước ấm.

Cách làm: Mẹ hấp chín khoai lang, đem xay nhuyễn. Cho bột ăn dặm vào nước khuấy đều, thêm khoai lang đã nghiền vào, trộn đều là bé có thể dùng ngay.

5.3. Rau củ nghiền cho bé

Nguyên liệu: ⅛ chén đậu xanh, ⅛ chén đậu hà lan, ¼ chén bí đỏ, 1 lát cà rốt.

Cách làm: Đối với đậu xanh, đậu Hà Lan mẹ có thể ngâm 1 vài tiếng với nước sau đó cho tất cả thành phần trên vào nồi, nấu với nước tới khi chín kỹ. Cho hỗn hợp này vào máy xay nhuyễn thành bột là bé có thể ăn được

Các công thức mình vừa nêu, mẹ có thể áp dụng khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm. Nguyên liệu dễ tìm, cách thực hiện khá đơn giản cho những mẹ bận rộn. Hi vọng với những kinh nghiệm thực tế sẽ giúp cho mẹ tìm ra cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng.

[REVIEW] Cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng
5 (100%) 1 vote

Tags :

Bình luận cho bài viết

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC