15 món ăn kích thích tiêu hóa sau được bác sĩ khuyên dùng cho trẻ biếng ăn, thiếu chất dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, còi cọc và chậm phát triển. Mẹ hãy thay đổi thực đơn ngay hôm nay giúp bé phát triển cần bằng kể cả mặt thể chất lẫn trí não.
1. Những loại thực phẩm kích thích tiêu hóa, tốt cho đường ruột
Chi tiết: Thực phẩm kích thích tiêu hóa
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh là cách tốt nhất giúp cân bằng dinh dưỡng và giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Mẹ nên đưa vào thực đơn các nhóm thực phẩm có ích sau đây.
1.1. Rau củ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau củ là nguồn cung cấp chủ yếu các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất thiết yếu giúp hệ tiêu hóa của trẻ luôn luôn khỏe mạnh. Mẹ có thể làm salad, sinh tố, nấu canh… và vô vàn món ăn ngon cho bé.
1.2. Trái cây
Trong trái cây chứa nhiều đường tự nhiên, chất xơ giúp kích thích tiêu hóa ăn ngon. Hạn chế táo bón, giảm cholesterol trong máu ngăn ngừa béo phì cho trẻ.
Là nguồn cung cấp các vitamin nhóm A, B, C, E, P cùng các nguyên tố vi lượng như sắt, đồng, mangan, magie, kẽm cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, trái cây cũng là nguồn cung cấp các lợi khuẩn, enzym có lợi cho tiêu hóa.
Xem thêm:
- Chọn trái cây kích thích tiêu hóa cho bé TỐT NHẤT 2019
- Nước ép trái cây – Thức uống kích thích tiêu hóa
1.3. Thực phẩm lên men
Bổ sung thực phẩm lên men cho trẻ là biện pháp đơn giản giúp tăng cường tiêu hóa giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, kém hấp thu. Các thực phẩm lên men có hương vị hấp dẫn thơm ngon kích thích ngon miệng, đồng thời cung cấp hệ lợi khuẩn có lợi cho đường ruột.
1.4. Một số loại trà
Trà có tác dụng kích thích sự “thèm ăn” của trẻ, giúp ngon miệng hơn và giảm cảm giác nặng bụng khó tiêu sau khi ăn. Bên cạnh đó, các loại trà thảo mộc còn giúp hấp thu dưỡng khí, tăng lưu lượng tuần hoàn đến hệ tiêu hóa, và loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Một số loại trà dành cho trẻ nhỏ như trà hoa cúc, trà gừng, trà bạc hà…
1.5. Một số thực phẩm khác
Bên cạnh nhóm thực phẩm vừa kể trên, mẹ không quên cho vào thực đơn của trẻ nhóm thực phẩm giàu chất đạm động vật như thịt, trứng, sữa… nhóm thực phẩm giàu chất béo chưa bão hòa như đậu nành, đậu phộng, bơ, dầu gan cá, gấc… nhằm cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và hoàn thiện của trẻ.
2. 15 món ăn kích thích tiêu hóa cho trẻ
Dưới đây là danh sách 15 món ăn ngon kích thích tiêu hóa mà mẹ có thể tham khảo, áp dụng ngay vào thực đơn hằng ngày cho trẻ.
2.1. Dưa chua nấu canh
Nguyên liệu: 500g cá chép, 2 trái cà chua chín, 400g dưa cải muối chua, 1 mớ thì là, hành lá, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn, 1 củ hành khô.
Công dụng:
- Dưa chua có chứa rất nhiều men vi sinh nên khi ăn kèm sẽ cảm thấy dễ tiêu hơn, ăn ngon miệng.
- Cá chép là món ăn bổ dưỡng cung cấp thành phần đạm, có tác dụng kiện tỳ, dưỡng vị giúp bé ăn ngon, hấp thu tốt.
Cách chế biến: Cá làm sạch, cho vào chảo rán chín vàng. Cà chua thái múi cau xào chung với hành khô tới chín, sau đó cho dưa vào xào kĩ 5-10 phút. Đổ nước vào, om 20-30 phút, cho cá rán vào, đun thêm 10 phút, nêm nếm gia vị, bỏ một ít thìa là vào.
2.2. Tempeh xào rau củ
Nguyên liệu: Tempeh, cải bắp, cà rốt, ớt ngọt đỏ, hành lá, gừng tươi, dầu vừng, nước tương, dấm gạo, bột ngô
Công dụng:
- Tempeh là một dạng của đậu tương lên men, giàu chất xơ và nguồn đạm tự nhiên. Đồng thời, nó bổ sung hệ lợi khuẩn tự nhiên giúp kích thích tiêu hóa, ăn ngon cải thiện hiệu suất làm việc của đường tiêu hóa.
- Cải bắp, cà rốt, ớt ngọt đỏ cung cấp vitamin A, C, E, chất xơ tăng cường khả năng tiêu hóa cho trẻ
Cách chế biến:
- Cà rốt thái vát, gừng giã nhỏ, ớt thái hạt lựu, cải bắp cắt nhỏ, hành lá thái đoạn.
- Mẹ dùng 1 bát nhỏ và trộn đều các nguyên liệu theo tỷ lệ sau: 1 bột ngô + 3 nước tương + 2 dấm gạo + một chút nước.
- Đầu tiên xào cải bắp với tempeh đến khi tempeh ngả vàng, cho ra bát riêng.
- Tiếp tục xào nguyên liệu còn lại, xào chín tới, cho tempeh cùng hỗn hợp gia vị trước đó, trộn đều.
2.3. Soup kim chi
Là một món ăn kích thích tiêu hóa cho trẻ vì trong kim chi rất giàu chất xơ và các lợi khuẩn. Soup kim chi là sự kết hợp với nhiều nguyên liệu khác thành một món ăn đầy đủ dưỡng chất tạo cảm giác thèm ăn ở trẻ.
Nguyên liệu:
- 300g Kimchi
- nửa chén nước Kimchi
- 1 chén nước lã
- 100g thịt ba rọi
- 2 cọng hành lá
- 100g Tàu hủ
- 1/4 củ hành tây
- 1 trái ớt sừng đỏ
- 1/2 muỗng cafe tỏi băm
Công dụng:
Kim chi chứa nhiều vitamin A, B, sắt, canxi và selen chống lại nhiễm trùng đồng thời giúp máu lưu thông, tăng cường hệ thống miễn dịch cũng giúp hệ cơ phát triển. Bên cạnh đó, kim chi chứa lactobacillus giúp phân giải thức ăn, hấp thụ dinh dưỡng và chống lại các vi khuẩn có hại.
Cách chế biến:
- Bắc cái nồi nhỏ, cho 1 muỗng canh dầu ớt. Kế tiếp cho tỏi băm,củ hành, thịt ba rọi vào xào sơ cho chín tái. Nêm gia vị.
- Xào hỗn hợp Kimchi và thịt trong vòng 2-3 phút thì cho nước Kimchi và 1 chén nước vào.
- Bước cuối cùng ta cho tàu hũ, hành lá, và ớt sừng vào.
- Nấu tiếp vài ba phút rồi tắt lửa .
2.4. Salad bồ công anh
Nguyên liệu: 230 gam lá bồ công anh, Nước tương, nước cốt chanh, mè trắng, ớt bột đường trắng, dầu mè, tỏi băm.
Công dụng: Lá bồ công anh là bài thuốc chữa bệnh gan, bệnh sỏi mật, viêm dạ dày, thiếu máu, thiếu vitamin, nhiều chứng bệnh da liễu và cải thiện tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng hơn.
Cách chế biến: Lá bồ công anh rửa sạch, cắt khúc 3-4 cm. Trộn đều các nguyên liệu còn lại như bột ớt, tỏi băm, đường, nước tương, giấm cho hòa quyện rồi cho vào phần lá bồ công anh, trộn đều.
2.5. Củ cải đỏ hầm thịt bò
Nguyên liệu: Thịt bò, củ cải trắng, Cà rốt, Dầu ăn, Tiêu, Nước mắm, Tỏi, hành lá, ngò gai, đường, hạt nêm, nước sốt Cà chua
Công dụng:
- Củ cải trắng giàu vitamin B và nhiều loại khoáng chất, trong đó hàm lượng vitamin C rất cao cũng như giàu chất xơ nên tăng cường hấp thu tốt các chất dinh dưỡng và loại bỏ các chất cặn bã có hại cho hệ đường ruột của trẻ.
- Cà rốt là thực phẩm chứa nhiều vitamin A, beta-caroten, vitamin nhóm B, vitamin C, nguyên tố vi lượng như mangan, canxi, sắt… Đồng thời đây là loại củ quả giàu chất xơ ngăn ngừa táo bón, tiêu chảy hiệu quả.
Cách chế biến:
Rửa sạch nguyên liệu, đối với cà rốt, củ cải trắng mẹ nên thái hình vuông, vừa ăn, tỏi, hành lá, ngò gai thái nhỏ. Thịt bỏ mẹ cắt miếng vuông, ướp sẵn gia vị. Trước tiên, mẹ xào thịt bò tới khi săn lại, vàng đều, cho ra đĩa. Mẹ cho tỏi và hành vào nồi, phi vàng sau đó thêm nước sốt cà chua vào và một ít nước dùng bò vào, thịt bò, nêm nếm gia vị. Đun nhỏ lửa, tầm 70-90 phút. Đợi khi nước trong nồi sôi sánh, thêm củ cải và cà rốt vào hầm 30 phút.
2.6. Canh nghêu thì là
Nguyên liệu: 2kg nghêu, 3 quả cà chua, 1 nắm lá thì là, 1 thìa canh nước mắm, 1 quả ớt, 1/3 thìa súp muối, 2 quả sấu
Công dụng: Nghêu chứa nhiều dưỡng chất như vitamin B12, vitamin C, protein, sắt, kali, canxi, omega 3,… Nghêu giúp thúc đẩy tiêu hóa, bổ sung canxi và chất khoáng cho xương trẻ phát triển và chắc khỏe, giúp bồi bổ sức khỏe cho người ốm dậy.
Cách chế biến: Mẹ đem rửa sạch nghêu, luộc sơ rồi nhặt thịt nghêu, cắt túi màu đen và ướp chút muối, hành băm. Phi hành thơm rồi xào cà chua cho chín, cho 1 lít nước vào đun sôi cùng sấu và ớt. Khi nước sôi, cho nghêu vào, nêm nếm gia vị.
2.7. Khoai lang luộc
Nguyên liệu: 2-3 củ khoai lang
Công dụng: Khoai lang có tác dụng nhuận tràng, kích thích nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nhanh hơn, giảm đầy bụng, khó tiêu, ngăn ngừa táo bón.
Cách chế biến: Khoai lang rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước đun 30 phút. Vớt khoai ra.
2.8. Canh miso đậu phụ rong biển
Nguyên liệu: Đậu phụ cứng 80g, rong biển wakame khô : 10g, nước dùng dashi: 400ml, miso: 2 thìa to
Công dụng: Miso chứa các hệ men vi sinh, lợi khuẩn tốt từ đậu nành sẽ là món canh ngon miệng dành cho trẻ nhỏ.
Cách chế biến: Ngâm rong biển khoảng 10 phút, thái nhỏ. Đậu phụ cắt miếng vuông vừa ăn. Cho nước dashi vào rồi đun sôi cho rong biển và đậu phụ vào. Đun thêm 30 giây. Khi nước sôi, cho thêm 2 thìa miso vào nồi, dùng muôi khuấy đều cho tan miso.
2.9. Nước ép củ dền, cà rốt
Nguyên liệu: củ dền, cà rốt, máy ép, rây
Công dụng:
- Nước ép củ dền thích hợp cho người thiếu máu, giàu vitamin A, B, C, canxi, magie, đồng, phốt pho, sắt mang lại nguồn dinh dưỡng cực cao cho trẻ.
- Cà rốt là loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin A, C, beta caroten. Lượng chất xơ dồi dào trong cà rốt, củ dền có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa, trị khó tiêu, đào thải chất độc tố, cặn bã ra bên ngoài.
Cách chế biến: Mẹ rửa sạch củ dền và cà rốt, gọt vỏ, cắt miếng nhỏ. Cho cà rốt và củ dền vào trong máy ép, rồi lọc qua rây. Mẹ có thể cho thêm một ít đường để trẻ dễ uống hơn.
2.10. Sữa chua trộn các loại quả mọng
Sữa chua cung cấp nhiều lợi khuẩn cho đường ruột kết hợp với quả mọng chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Nó được coi là một món ăn kích thích tiêu hóa tuyệt vời vừa đơn giản dễ làm mà còn dễ kết hợp với nhiều loại hoa quả khác nhau.
Nguyên liệu: một hộp sữa chua, dâu tây, việt quất, chuối, hạt chia. Mẹ có thể cho thêm hạnh nhân vào để có mùi vị thơm ngon hơn
Công dụng:
- Sữa chua cung cấp nguồn lợi khuẩn cần thiết cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ.
- Loại quả mọng như dâu tây, việt quất chứa nhiều vitamin C, A, E giúp tăng cường tiêu hóa, bổ sung chất chống oxy hóa, chất xơ hữu ích.
- Chuối: Là một thực phẩm tốt cho đường ruột, giúp cải thiện và khôi phục sự hài hòa của đường ruột, giảm đầy hơi, tăng cường chất xơ giúp đào thải cặn bã.
Cách chế biến: Hoa quả rửa sạch, chuối, hạnh nhân tách vỏ. Bỏ dâu tây, việt quất, hạnh nhân và sữa chua vào máy xay. Xay nhuyễn, thêm đá vào nếu muốn uống lạnh. Rắc hạt chia và xếp chuối lên.
2.11. Chè rong biển đậu xanh
Nguyên liệu: Đậu xanh đã lột vỏ 300g, rong biển 30g, đường trắng 200g, muối ½ muỗng cà phê, vani 2 ống
Công dụng:
- Đậu xanh chứa nhiều chất tác động tốt đến quá trình tiêu hóa và thúc đẩy nhu động ruột, giảm căng thẳng trên đường ruột, ngăn ngừa chứng táo bón, khó tiêu cho trẻ nhỏ.
- Rong biển: chứa men tiêu hóa tự nhiên chất lượng cùng chất đạm, chất khoáng và hàm lượng vitamin cao giúp trẻ dễ dàng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng từ đường ruột.
Cách chế biến: Ngâm đậu xanh 3-4 tiếng. Rong biển cho vào nước, ngâm một tiếng vớt ra cho ráo, cắt ngắn. Cho đậu xanh đã ngâm vào 500ml nước và nấu khoảng 15 phút đến khi đậu xanh chín mềm. Thêm đường trắng, muối vào, khuấy đều đến tan. Đun nhỏ lửa thêm 5 phút, rồi cho 500 ml nước vào, đun sôi cho thêm rong biển vào. Tiếp tục đun khoảng 10 phút, tắt bếp.
2.12. Sinh tố đu đủ
Nguyên liệu: 200g đu đủ chín, 2 thìa sữa đặc, 100ml sữa tươi, đá bào
Công dụng: Đu đủ có chứa một loại enzyme có tên là papain – có khả năng hỗ trợ tiêu hóa đạm động vật. Cùng với lượng chất xơ dồi dào, giúp ngăn ngừa chứng khó tiêu, táo bón thúc đẩy bài tiết enzym tiêu hóa và duy trì sức khỏe đường ruột.
Cách chế biến: Mẹ gọt vỏ đu đủ, xắt thành miếng nhỏ hình vuông. Cho tất cả các nguyên liệu trên vào xay nhuyễn, rồi cho ra cốc để thưởng thức.
2.13. Sinh tố bơ
Nguyên liệu: 1 quả bơ chín, 2 thìa sữa đặc, 200ml sữa tươi không đường, đá bào
Công dụng: Bơ là loại trái cây bổ dưỡng, ngọt thơm khiến bé thích thú.
Cách chế biến: Mẹ bổ đôi quả bơ, tách hạt, bỏ vỏ và nạo lấy phần thịt cho vào tô. Cho phần bơ, hai thìa sữa đặc, sữa tươi không đường và đá bào cho vào xay nhuyễn trong vòng 30 giây – 1 phút đến khi hỗn hợp sánh mịn thì món sinh tố hoàn thành.
2.14. Nước ép táo
Nguyên liệu: 2 trái táo, ½ trái chanh, đá bào, muối, nước lọc
Công dụng: Táo là loại quả rất giàu vitamin A và C và lượng nhỏ lượng nhỏ vitamin K, vitamin B1, vitamin B2, B3 hay vitamin E. Trái táo giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan vừa giúp bé ăn ngon miệng vừa hỗ trợ đào thải các chất cặn bã ra ngoài.
Cách chế biến: Táo gọt vỏ, cắt miếng dọc. Ngâm táo vào bát nước, vắt chanh và cho một chút muối vào. Vớt táo, cho vào máy ép, thêm từ từ đá bào trong quá trình ép. Đổ ra ly, uống liền
2.15. Cháo củ dền thịt heo
Nguyên liệu: Củ dền: 20g, thịt heo 30g, gạo 40g, dầu ô liu.
Công dụng: Củ dền chứa một nguồn folate dồi dào và có lượng sắt, kali, vitamin C, magie, mangan, kali, bioflavonoid, beta-carotene có lợi cho hấp thu và đào thải các chất ở đường tiêu hóa, giảm căng thẳng, mệt mỏi và cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Cách chế biến: Mẹ cho gạo vào nồi ninh thành cháo. Thịt heo rửa sạch, băm nhỏ, phi hành tỏi, cho một ít nước, hầm khoảng 20-30 phút. Củ dền gọt vỏ, xắt hạt lựu đồi đem luộc sơ qua. Cho thịt heo vào cháo ninh nhừ, cho vài giọt dầu ô liu vào, tắt bếp.
Rối loạn tiêu hóa sẽ không còn làm phiền bé nữa. Khi mẹ kết hợp 15 món ăn kích thích tiêu hóa trên đây vào thực đơn hàng ngày để bé luôn hào hứng và thích thú mỗi khi đến bữa ăn.
“Với 9 năm kinh nghiệm là chuyên gia tư vấn hàng đầu về Y dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, tôi không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đem lại những thông tin hữu ích cho người bệnh.”
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.