Ra mồ hôi trộm ở chân, tay là tình trạng rất nhiều người gặp phải. Ra mồ hôi trộm ở chân, tay là biểu hiện của bệnh gì, cách trị chứng bệnh này như thế nào? Dưới đây là những giải đáp của chuyên gia.
1. Ra mồ hôi trộm ở chân, tay là biểu hiện của bệnh gì?
Tìm hiểu thêm: Mồ hôi trộm là gì? Phân biệt mồ hôi trộm sinh lý và bệnh lý ở trẻ
Khi thấy tình trạng ra mồ hôi trộm ở chân tay, bạn chớ coi thường. Bởi rất có thể đây là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm:
1.1. Hệ thần kinh đối giao cảm làm việc chưa tốt
Hầu hết mọi người tiết ra mỗi ngày khoảng 1 lít mồ hôi hoặc nhiều hơn khi trời nóng hay lúc luyện tập thể dục, thể thao…
Nếu bị đổ mồ hôi khi trời lạnh hoặc không có yếu tố kích thích thì có thể đó là dấu hiệu của chứng tăng tiết mồ hôi. Nguyên nhân xuất phát từ hệ thần kinh đối giao cảm làm việc chưa tốt. Điều này gây nên tình trạng dư thừa tín hiệu thần kinh từ não bộ tới các tuyến mồ hôi.
1.2. Chứng phong thấp
Phong thấp, hay tê thấp, là chứng bệnh làm đau nhức, sưng đỏ các khớp xương, bắp thịt và một số cơ quan khác trong cơ thể. Phong thấp không chỉ gây ra tình trạng đau nhức ở người bệnh. Nó còn khiến mồ hôi trộm ở tay hoặc chân vùng khớp bị đau tiết ra nhiều hơn.
1.3. Bệnh âm hư
Với những người sức khỏe tốt thì âm dương thường cân bằng. Ngược lại khi âm dương mất cân bằng thì cơ thể sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe. Trong đó có tình trạng đổ mồ hôi trộm ở chân, tay và một số bộ phận khác.
1.4. Bệnh tâm lý
Hồi hộp, lo lắng, bất an, sợ hãi là một trong những nguyên nhân tác động đến hệ thần kinh. Do đó, gây nên hiện tượng đổ mồ hôi trộm. Vì vậy đổ mồ hôi trộm được xem là biểu hiện của người có tâm lý không ổn định.
1.5. Bệnh về tim mạch
Các bệnh lý về tim mạch cũng là nguyên nhân khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi hơn bình thường. Đặc biệt, đối với người mắc chứng suy tim thì vô cùng nguy hiểm. Bởi mồ hôi đổ nhiều dễ gây nhiễm lạnh, tụt huyết áp nguy hại tính mạng.
Ngoài ra, bệnh viêm màng tim cũng có triệu chứng đổ nhiều mồ hôi trộm ban đêm lúc đi ngủ. Và kèm theo các biểu hiện khác như sốt, ớn lạnh, khó thở, xanh xao…
1.6. Rối loạn xương
Các vấn đề về xương như loãng xương, còi xương… xuất phát từ nguyên nhân thiếu canxi hoặc Vitamin D thường có biểu hiện là đổ mồ hôi trộm ở chân, tay và các bộ phận khác trên cơ thể.
1.7. Bệnh tiểu đường
Tiểu đường có thể gây biến chứng lên hệ thần kinh, tác động làm rối loạn quá trình bài tiết mồ hôi của cơ thể.
Biểu hiện thường gặp là nửa thân trên ra mồ hôi rất nhiều. Trong khi nửa thân dưới rất ít hoặc thậm chí không đổ mồ hôi. Đặc biệt, có nhiều người gặp phải tình trạng trớ trêu cứ ăn vào là đổ mồ hôi khắp mặt.
1.8. Bệnh cường giáp
Cường giáp là tình trạng hormone tuyến giáp tiết ra quá nhiều gây nên tình trạng rối loạn hormone.
Đặc điểm chính của cường giáp là không dung nạp nhiệt, ra mồ hôi và tính tính trở nên khó chịu, nóng nảy thất thường. Đi kèm với đó là tâm trạng không ổn định, giấc ngủ chập chờn không sâu hoặc mất ngủ.
1.9. Tiền mãn kinh
Phụ nữ khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh, lượng hormone sinh dục nữ trong cơ thể bị suy giảm dẫn đến nội tiết tố trong cơ thể bị mất cân bằng gây nên nhiều tình trạng khác nhau về sức khỏe, trong đó rõ rệt nhất là hiện tượng bốc hỏa.
Chính vì vậy phụ nữ ở giai đoạn này thường bị đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt là mồ hôi trộm ở chân, tay, nách, đầu…
1.10. Béo phì
Cơ thể người béo phì có “bộ quần áo rét” quá dày, nên sự tỏa nhiệt trở nên khó khăn, nên về mùa hè, người béo phì luôn cảm thấy nóng hơn người bình thường.
Người bị béo phì thường tiết ra nhiều mồ hôi hơn nhằm mục đích giảm nhiệt, hạ nhiệt cho cơ thể.
1.11. Bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là một rối loạn cấp cao của hệ thần kinh có ảnh hưởng đến vận động.
Bệnh thường có các triệu chứng phổ biến như run, chậm vận động, cơ bắp cứng, tư thế bị khiếm khuyết và mất cân bằng, mất các chuyển động tự động, vô thức, đổ mồ hôi trộm nhiều.
1.12. Viêm khớp Rheumatoid
Rheumatoid – hay còn được biết đến là bệnh viêm khớp, là bệnh gây ảnh hưởng đến các khớp xương. Bệnh này gây đau, sưng và cứng khớp.
Nếu một đầu gối hoặc bàn tay bị thấp khớp, thông thường đầu gối hoặc bàn tay còn lại cũng bị bệnh. Bệnh này thường xảy ra ở nhiều khớp và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Những người mắc bệnh này có thể cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi và thỉnh thoảng bị sốt, bị đổ mồ hôi nhiều.
1.13. Lymphoma
Lymphoma hay còn gọi là u lympho là một loại ung thư ở hệ bạch huyết, một phần của hệ miễn dịch cơ thể. Hệ thống bạch huyết bao gồm các hạch bạch huyết (tuyến bạch huyết), lá lách, tuyến ức và tủy xương.
Bệnh lymphoma có thể ảnh hưởng đến tất cả các khu vực cũng như các cơ quan khác trên khắp cơ thể trong đó có hệ bài tiết, cụ thể là tuyến mồ hôi. Do đó nó gây tác động làm tăng tiết mồ hôi gây ra tình trạng đổ mồ hôi nhiều và đổ mồ hôi trộm thường thấy ở người bị bệnh Lymphoma.
1.14. Bệnh Gout
Bệnh Gout còn gọi là thống phong, là một loại viêm khớp gây ra các triệu chứng như đau sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp. Ngoài ra người bị bệnh Gout thường gặp phải tình trạng tăng tiết mồ hôi, đặc biệt là về đêm.
1.15. Lao phổi
Triệu chứng của người bị bệnh lao phổi là toàn thân toát mồ hôi vào khoảng thời gian chiều tối đến nửa đêm. Bên cạnh đó cơ thể người bệnh cũng xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho dai dẳng, hay ớn lạnh, chán ăn, sụt cân…
1.16. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc kháng sinh điều trị bệnh có tác dụng phụ đi kèm là làm tăng tiết mồ hôi gây nên tình trạng đổ mồ hôi trộm ở chân, tay, đầu, nách, bẹn.
2. Biểu hiện khi đổ mồ hôi trộm ở chân, tay
Tình trạng đổ mồ hôi trộm ở chân tay thường có các biểu hiện nặng, nhẹ tùy người và tùy tình trạng gặp phải.
- Các biểu hiện nhẹ thường sẽ là: tay hoặc chân bị đổ mồ hôi khi bị bịt kín, đặc biệt là chân khi đi giày trong thời gian quá lâu. Nếu tình trạng đổ mồ hôi trộm ở chân tay chỉ dừng lại ở việc chân, tay thi thoảng bị ướt do các yếu tố khách quan như thời tiết quá nóng, bị bí khi đeo găng tay hoặc đi giày lâu thì thường không quá nguy hiểm.
- Ngược lại, tình trạng bệnh sẽ trở nên trầm trọng nếu việc đổ mồ hôi nhiều, thường xuyên, làm tay chân ướt nhẹp, tất chân không thể thẩm thấu hết được lượng mồ hôi tiết ra. Trong trường hợp bệnh có biểu hiện nặng thì nên có biện pháp chữa trị kịp thời để không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
3. Cách trị mồ hôi trộm ở chân, tay tận gốc
Hiện nay có nhiều biện pháp để chữa trị mồ hôi trộm ở chân, tay như cắt hạch thần kinh giao cảm hay loại bỏ tuyến mồ hôi ở chân. Tuy nhiên những biện pháp này thường không thể điều trị tận gốc mà còn có nguy cơ gây các tác dụng phụ nguy hiểm. Chính vì vậy những biện pháp điều trị bằng Tây y này thường không được khuyến khích trong điều trị chứng ra mồ hôi trộm ở chân, tay.
Thay vào đó các biện pháp điều trị theo y học cổ truyền rất đơn giản như: sử dụng muối, lá lốt, lá ngải cứu, nước chè xanh, lá dâu tằm, hoài sơn, thục địa… lại được nhiều người lựa chọn vì tính an toàn, rẻ, tiện lợi và đặc biệt mang lại hiệu quả rất khả quan.
Đọc thêm: 10+ phương pháp chữa mồ hôi trộm theo cách dân gian
3.1. Cách trị mồ hôi tay chân bằng muối
Muối được xem là nguồn nguyên liệu rẻ và dễ dàng tìm thấy trong căn bếp của mỗi gia đình. Ngoài công dụng là một gia vị trong các món ăn thì muối còn có tác dụng chữa bệnh tuyệt vời nhờ khả năng diệt khuẩn của nó. Một trong số đó là công dụng chữa đổ mồ hôi chân cực kỳ đơn giản và hiệu quả.
- Sử dụng một nắm muối hoà vào thau nước ấm cho tan hết ra rồi ngâm chân/tay vào. Thời gian ngâm khoảng 15-20 phút, đến khi nước nguội.
- Bạn cũng có thể cho thêm gừng tươi giã nát vào nước để ngâm chân/tay sẽ giúp khử mùi hôi do tăng tiết mồ hôi trên da. Ngâm chân ngoài công dụng trị chứng đổ mồ hôi trộm ra thì đây còn là cách thư giãn cực kỳ tuyệt vời.
3.2. Cách trị mồ hôi tay chân bằng lá lốt
Cách trị mồ hôi tay, chân bằng lá lốt nên thực hiện thường xuyên mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ, mỗi lần ngâm từ 10 đến 15 phút có thể hạn chế được chứng ra mồ hôi tay chân một cách hiệu quả.
- Nguyên liệu cần có: 30 gam lá lốt, một ít muối trắng.
- Cách thực hiện: Cách thực hiện cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần rửa sạch và cắt nhỏ 30 gam lá lốt tươi, sau đó cho lá lốt vừa cắt vào nồi cùng 1 lít nước sạch rồi đun sôi, cho thêm ít muối vào nồi rồi tắt bếp. Để nước ấm sau đó ngâm tay và ngâm chân vào.
3.3. Chữa mồ hôi trộm cho bé với ngải cứu
Ngải cứu là cây thuốc phổ biến có công dụng chữa các chứng chảy máu cam, trị đau dạ dày, mồ hôi trộm, mồ hôi tay chân.
Trẻ mắc bệnh đổ mồ hôi tay cha mẹ hãy đốt nắm lá ngải cứu tươi rồi hơ tay, chân để hơi nóng bốc lên. Tinh dầu ngải cứu sẽ giúp làm ấm tay, chân trẻ, hạn chế chứng hư hàn gây đổ mồ hôi.
3.4. Nước chè xanh chữa mồ hôi trộm ở chân tay
Chè xanh có tác dụng kháng khuẩn, sát khuẩn hiệu quả, vì vậy chè xanh được sử dụng để chữa các bệnh ngoài da và chữa đổ mồ hôi trộm ở chân tay.
Theo đó sử dụng một nắm lá chè xanh đun lấy nước, sau đó chờ cho nước ấm rồi ngâm chân, tay khoảng 15-20 phút. Có thể thực hiện cách làm này ngày 2-3 lần sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ trong trị mồ hôi trộm trên chân/tay.
3.5. Trị mồ hôi trộm ở chân tay với lá dâu tằm
Theo quan niệm của Đông y lá dâu tằm có vị đắng ngọt, tính mát với công dụng tán phong thanh nhiệt. Để có thể tận dụng được công dụng thì nên dùng những lá non hái vào lúc mặt trời chưa mọc.
Lá dâu tằm có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau trong điều trị chứng ra mồ hôi trộm như uống nước lá dâu, tắm nước lá dâu, lá dâu kết hợp chân gà, nấu cháo lá dâu hay dùng lá dâu làm gối.
Đối với món cháo lá dâu có thể thực hiện như sau:
- Nguyên liệu: 50g lá dâu non, gạo tẻ 1 nắm, thịt nạc băm nhỏ.
- Có thể kết hợp cùng lá dâu để nấu cháo cho con. Lá dâu ngoài tác dụng thanh nhiệt an thần, làm hạ nhiệt khi trẻ nhỏ bị sốt cao, còn giúp trẻ ngủ ngon giấc.
- Nên cho con ăn 1 lần/ngày trong 5 ngày liên tiếp thì sẽ đỡ mồ hôi ở chân, tay.
3.6. Các món ăn tốt cho trẻ đổ mồ hôi trộm
Có nhiều món ăn tốt cho trẻ bị đổ mồ hôi trộm, dưới đây là một số món ăn đơn giản, dễ làm các mẹ có thể tham khảo để nấu cho con.
3.6.1. Cháo cá chạch:
Nguyên liệu: 100g cá chạch đồng, 50g gạo tẻ, dầu ăn và một số gia vị khác.
Cách thực hiện: Cá chạch sơ chế sạch sẽ, sau đó cho vào hấp cách thủy cho chín rồi gỡ lấy thịt. Thịt cá ướp một chút dầu ăn, mắm muối cho vừa miệng rồi xào lên. Riêng phần xương cá chạch thì giã nhỏ, lọc lấy 200ml nước rồi cho gạo vào ninh cháo. Khi cháo chín thì cho thịt cá vào đảo đều rồi tắt bếp. Với món ăn này có thể ăn lúc đói, 1 lần/ngày và ăn liên tục trong 3 ngày liền tình trạng đổ mồ hôi trộm sẽ được cải thiện ngay.
3.6.2. Cháo cá quả
Nguyên liệu: 200g cá quả, 50g bột gạo tẻ, gia vị, dầu ăn.
Cách thực hiện: Cá quả làm sạch, hấp cách thủy, gỡ lấy thịt nạc, ướp gia vị. Xương cá giã nhỏ lọc lấy 200ml nước ngọt, cho bột gạo vào khuấy đều đun lửa nhỏ. Khi cháo chín, cho gia vị, thịt cá vào khuấy đều, cháo sôi lại là được.
Ngày ăn 1 lần lúc đói, ăn liền 3 – 5 ngày chứng đổ mồ hôi trộm sẽ được cải thiện đáng kể.
3.6.3. Cháo sò, hến
Nguyên liệu: 100g sò biển, 100g hến, 50g bột gạo, 3g rễ hẹ, gia vị đi kèm.
Cách thực hiện: Sò, hến rửa sạch, hấp cách thủy rồi bỏ vỏ, ruột thái nhỏ, ướp bột gia vị. Rễ hẹ rửa sạch giã nhỏ lọc lấy 200ml nước, cho bột gạo vào khuấy đều, đun nhỏ lửa. Cháo chín cho sò biển và hến vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Ăn lúc đói, 1 lần/ngày, ăn liền 3 – 5 ngày.
4. Một số lưu ý khi đổ hồi hôi trộm ở chân, tay
Để hạn chế tình trạng đổ mồ hôi trộm ở chân tay cần lưu ý những điều sau:
- Không dùng kem dưỡng gốc dầu bởi các loại kem dưỡng này sẽ làm tình trạng đổ mồ hôi nặng hơn và mồ hôi sẽ khó khô hơn.
- Bổ sung đủ chất sẽ giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch. Nguy cơ mắc các bệnh gây nên tình trạng đổ mồ hôi trộm ở chân cũng sẽ giảm.
- Đảm bảo giấc ngủ: Một giấc ngủ sâu, ngủ ngon sẽ giúp hồi phục sức khỏe cho một ngày làm việc, vui chơi mệt mỏi. Vì vậy nên ngủ ít nhất là 7-8 tiếng mỗi ngày.
- Ăn mặc thoáng mát sẽ giúp cơ thể không bị nóng bức, ngột ngạt. Nhờ vậy mà hạn chế được phần nào tình trạng đổ mồ hôi.
- Xử lý tạm thời: lau khô để cảm thấy thoải mái, không bị ướt át hay bết dính, đồng thời lau khô mồ hôi sẽ giúp mồ hôi không thẩm thấu ngược trở lại vào cơ thể gây cảm lạnh hay viêm phế quản. Ngoài ra lau khô mồ hôi còn hạn chế vi khuẩn hoạt động gây mùi và gây bệnh nữa.
- Tuyệt đối không sử dụng chất khử mùi hoặc phấn thơm để bôi hoặc xịt trực tiếp vào vùng cơ thể bị ra mồ hôi.
Trên đây là những điều cần biết về hiện tượng đổ mồ hôi trộm ở chân, tay. Nếu tình trạng mồ hôi ra quá nhiều mồ hôi ở tay, chân trong một thời gian dài, điều trị bằng những cách trên không hiệu quả thì nên đi bệnh viện. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và có phương pháp điều trị dứt điểm.
“Với 9 năm kinh nghiệm là chuyên gia tư vấn hàng đầu về Y dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, tôi không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đem lại những thông tin hữu ích cho người bệnh.”
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.