Trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ liệu có nguy hiểm? 5+ cách chữa trị dứt điểm

Đăng bởi Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền | Đăng lúc : 27/03/2023 10:50:46

Trẻ đổ mồ hôi trộm có thể là những phản ứng bình thường khi ở trong môi trường nóng bức, bị nóng trong. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ có thể báo hiệu những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Bố mẹ cần chú ý để có cách xử lý kịp thời khi trẻ ở trong tình trạng này.

1. 3 điều bố mẹ cần biết khi trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ

Tình trạng trẻ đổ mồ hôi trộm là lúc trẻ ra rất nhiều mồ hôi trong trạng thái tĩnh là khi ngủ. Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm là chuyện khá phổ biến. Nhiều bé trong độ tuổi mẫu giáo cũng hay gặp phải trường hợp bị đổ mồ hôi trộm khi ngủ. Các bác sĩ nhi khoa cho biết, trẻ hay đổ hôi trộm vào giai đoạn ngủ sâu.

1.1. Dấu hiệu nhận biết chứng đổ mồ hôi trộm

Trẻ ra mồ hôi trộm thường đi kèm với các triệu chứng như: Ngủ không ngon giấc, hay tỉnh dậy đột ngột hoặc hay quấy khóc vào ban đêm. Vị trí ra mồ hôi trên cơ thể bé: đầu, gáy, lưng, chân, tay,… Bé thường đổ mồ hôi nhiều nhất ở đầu.

Khác với người lớn, các tuyến mồ hôi của trẻ nhỏ không phân bố ở nách và rải rác khắp cơ thể mà tập trung nhiều ở phần đầu. Vì vậy, khi bé ngủ, nếu như không thay đổi tư thế nằm thì đầu bé rất dễ bị đổ hôi hôi gây ướt tóc.

Trẻ thường đổ mồ hôi trộm ở đầu khi ngủ

Trẻ thường đổ mồ hôi trộm ở đầu khi ngủ

1.2. Phân biệt trẻ đổ mồ hôi sinh lý và đổ mồ hôi trộm

Trẻ đổ mồ hôi do nóng và đổ mồ hôi trộm và hai tình trạng khác nhau mà ba mẹ cần lưu ý vì có thể gây nhầm lẫn. Nếu bé đổ mồ hôi do thời tiết nóng bức, bé sẽ cảm thấy nóng nực trước cả khi ngủ. Ngược lại, bé đổ mồ hôi trộm không cảm thấy nóng bức trước khi đi ngủ. Sau khi ngủ dậy, dù mồ hôi có ra ướt áo thì bé cũng cảm thấy thoải mái và không có dấu hiệu bị nóng.

Trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ có thể bao gồm các trường hợp:

1.2.1. Đổ mồ hôi trộm do sinh lý

Trẻ đổ mồ hôi trộm do sinh lý là do sự trao đổi chất trong cơ thể trẻ nhỏ diễn ra nhanh và mạnh hơn ở người lớn. Quá trình này diễn ra sẽ tạo cho cơ thể sự hưng phấn và kích thích gây ra tỏa nhiệt trong cơ thể và làm cho trẻ bị đổ mồ hôi.

Mồ hôi sinh lý thường ra khi bé ngủ được khoảng 30 phút và sẽ biến mất sau 1h, ra nhiều ở cổ và đầu. Tình trạng trẻ ra mồ hôi sinh lý không ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ. Đó cũng được coi là một cách để giữ ổn định cho nhiệt độ trong cơ thể. Ba mẹ không cần quá lo lắng nếu như trẻ bị mồ hôi trộm sinh lý.

1.2.2. Đổ mồ hôi trộm do bệnh lý

Nếu trẻ mắc phải một số bệnh lý như lao giai đoạn sơ nhiễm, còi xương,…thì trẻ ra ra nhiều mồ hôi ngay cả khi thời tiết không hề nóng bức. Với những trẻ mắc những bệnh lý này, mồ hôi sẽ ra nhiều liên tục làm trẻ mất lượng muối và nước lớn.

Lỗ chân lông thường xuyên mở rộng cũng khiến trẻ dễ bị cảm lạnh, viêm phổi,… Hiện tượng này nếu kéo dài mà không được can thiệp có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe của trẻ. Vì vậy, nếu thấy trẻ bị đổ mồ hôi trộm khi ngủ kèm với các dấu hiệu bất thường khác của cơ thể, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân chính xác và có cách can thiệp phù hợp.

1.3. Nguyên nhân khiến trẻ ngủ bị đổ mồ hôi trộm

Những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị đổ mồ hôi trộm khi ngủ là:

  • Do thiếu hụt vitamin D: Vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Thiếu Vitamin D, trẻ sẽ bị còi xương, suy dinh dưỡng. Thiếu Vitamin D sẽ khiến cho nhiều cơ quan trong cơ thể không hoạt động được tốt gây ra tình trạng đổ mồ hôi trộm khi bé ngủ dù thời tiết không hề nóng bức. Những bé bị sinh non, bị rối loạn tiêu hóa, mắc các bệnh về nhiễm khuẩn,…cũng có thể bị thiếu Vitamin D và dẫn đến tình trạng đổ mồ hôi trộm.
Thiếu Vitamin D làm trẻ hay đổ mồ hôi trộm khi ngủ

Thiếu Vitamin D không những làm trẻ hay đổ mồ hôi trộm khi ngủ, mà còn dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng

  • Mẹ đắp quá nhiều chăn khi ngủ: Nhiều mẹ có tâm lý lo rằng ban đêm nhiệt độ xuống thấp hơn ban ngày sẽ làm cho bé bị lạnh nên đắp cho bé nhiều chăn khi ngủ. Việc này khiến cho cơ thể bé bị bức bối, các lỗ chân lông không thể truyền nhiệt ra ngoài làm cho bé bị đổ mồ hôi khi đang ngủ.
  • Do gen di truyền: Trẻ có thể bị đổ mồ hôi trộm do gen di truyền. Nếu như bố mẹ hoặc anh chị em bị mắc chứng đổ mồ hôi trộm khi ngủ, bé cũng có khả năng gặp phải tình trạng này.
  • Âm hư: Theo y học cổ truyền, khi âm hư sinh nội nhiệt, hư hỏa làm cho trẻ bị tăng tiết mồ hôi, mặt đỏ hồng. Cơ thể con người âm dương vốn được cân bằng. Nhưng trẻ nhỏ như mầm dương mới nhú nên phần âm bị thiếu hụt dẫn đến tình trạng âm hư.

2. Trẻ ra mồ hôi trộm khi ngủ ảnh hưởng tới sức khoẻ như thế nào?

Trẻ bị ra mồ hôi trộm khi ngủ có thể dẫn đến những ảnh hưởng cho sức khỏe là:

  • Trẻ dễ cảm lạnh: Trẻ bị ra mồ hôi nhiều khiến cho lỗ chân lông luôn ở trong trạng thái mở rộng. Điều đó tạo điều kiện cho khí lạnh xâm nhập vào cơ thể trẻ. Vì thế, khiến trẻ dễ bị cảm lạnh hơn.
  • Dễ bị viêm đường hô hấp: Trẻ ra mồ hôi trộm khi ngủ nếu không lau kịp thời sẽ khiến mồ hôi thấm ngược trở lại qua da và vào bên trong cơ thể. Điều này gây ho và các bệnh viêm đường hô hấp như viêm phế quản và viêm phổi.
Đổ mồ hôi trộm khi ngủ có thể gây ra viêm đường hô hấp

Khi thấy trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ, cần lau khô ngay, tránh tình trạng trẻ bị cảm lạnh và viêm đường hô hấp

  • Gây mất nước: Trẻ ra mồ hôi trộm nhiều sẽ mất lượng nước lớn. Do thành phần chính của mồ hôi chính là nước. 
  • Thiếu Canxi, thiếu muối: Canxi và muối cũng là những thành phần có nhiều trong mồ hôi. Khi trẻ tiết mồ hôi trộm nhiều khi ngủ sẽ khiến cơ thể mất đi lượng lớn những chất này. Nếu tình trạng này kéo dài trẻ sẽ còi cọc, chậm phát triển chiều cao, cơ thể suy kiệt dẫn đến suy dinh dưỡng, còi xương và chậm lớn, đêm ngủ hay quấy khóc
  • Viêm da, rôm sảy: Việc da trẻ không được khô ráo và thường xuyên bị ướt do ra mồ hôi trộm có thể dẫn đến nguy cơ viêm da, rôm sảy. Như vậy, trẻ sẽ bị ngứa ngáy, khó chịu và quấy khóc nhiều hơn.

3. Bố mẹ phải làm gì khi trẻ bị mồ hôi trộm khi ngủ?

Trẻ ra nhiều mồ hôi khi ngủ nếu như không được can thiệp về lâu dài sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe. Vì vậy, khi bé bị ra mồ hôi trộm khi ngủ, ba mẹ cần thực hiện những phương pháp sau để cải thiện tình trạng của trẻ:

3.1. Bổ thận, dưỡng âm

Trẻ em được ví như mầm dương mới nhú, vì vậy trẻ còn rất non nớt và thường thiếu hụt phần âm trong cơ thể. Âm hư gây ra nội nhiệt, tân dịch dễ thoát qua da. Vì vậy, để cải thiện tình trạng trẻ ra mồ hôi trộm khi ngủ, ba mẹ cần bổ thận, dưỡng âm cho trẻ, điều trị vấn đề từ bên trong với những thành phần tốt cho thận như:

  • Thục địa: Thục địa là vị thuốc khá quen thuộc trong Đông y có tác dụng bổ thận, dưỡng âm. Thục địa có vị ngọt, tính ôn. Khi được đưa vào cơ thể, thục địa sẽ tác động tới 3 kinh là Tâm, Can, Thận. Vì thế, thục địa có tác dụng nuôi dưỡng thận, bổ thận, dưỡng âm.
  • Thạch hộc: Trong Đông y, thạch hộc có vị ngọt, tính bình. Thạch hộc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giúp bổ âm, sinh tân dịch. Thạch hộc có tác dụng tốt cho những người suy thận giúp bồi bổ khí huyết, bổ thận, tăng cường sức khỏe.
  • Hoài sơn: Hoài sơn được coi là vị thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể. Theo Đông y, hoài sơn có vị ngọt, tính bình. Vị thuốc này có nhiều công dụng quý đặc biệt giúp bồi bổ tỳ vị, phế thận.
Hoài sơn chữa mồ hôi trộm

Hoài sơn giúp chữa chứng âm hư, thận yếu rất hiệu quả – một trong những nguyên nhân lớn khiến trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ

  • Củ súng: Củ súng có tác dụng bổ huyết, an thần và điều trị chứng mất ngủ. Dùng củ súng giúp tăng cường chức năng của thận.

3.2. Bổ sung Vitamin D cho con

Vitamin D là không thể thiếu được trong quá trình phát triển của cơ thể. Vitamin D tham gia hỗ trợ nhiều hoạt động của các cơ quan như giúp cơ thể tăng cường hấp thu Canxi, Photpho, phát triển hệ xương,…

Thiếu Vitamin D khiến cho trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc, ra mồ hôi trộm ngay cả khi thời tiết lạnh. Vì vậy, bổ sung Vitamin D sẽ giúp điều trị chứng ra mồ hôi trộm cho trẻ hiệu quả.

Trẻ ở những độ tuổi và giai đoạn khác nhau đòi hỏi nhu cầu Vitamin D khác nhau như sau:

  • Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi: 400 IU/ngày
  • Trẻ từ 1-3 tuổi: Không vượt quá 2.500 IU/ngày
  • Trẻ từ 4 tuổi: Không vượt quá 3000 IU/ngày

Ba mẹ có thể bổ sung Vitamin D cho trẻ thông qua nhiều nguồn như thuốc, thực phẩm giàu Vitamin D như cá, nấm, đậu phụ, dầu gan cá tuyết, sữa đậu nành, trứng, thịt lợn thăn, yến mạch,…

Tắm nắng hàng ngày tránh trẻ bị đổ mồ hôi trộm khi ngủ

Bên cạnh bổ sung Vitamin D bằng thực phẩm, hãy cho con tắm nắng thường xuyên các mẹ nhé

Ánh nắng tự nhiên cũng là nguồn cung cấp Vitamin D hiệu quả cho trẻ. Da sẽ hấp thụ ánh nắng mặt trời và chuyển hóa thành Vitamin D. Nhu cầu Vitamin D của cơ thể được da cung cấp 80-85%. Ba mẹ nên cho bé tắm nắng mỗi ngày khoảng 5-10 phút vào buổi sáng sớm. Những khoảng thời gian khác trong ngày, ánh nắng chứa nhiều tia UV gây hại cho da và mắt.

3.3. Giữ cơ thể con thoải mái, mát mẻ

Để cải thiện tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi trộm khi ngủ, ba mẹ nên giữ cho cơ thể trẻ luôn mát mẻ và thoải mái.

  • Nên để trẻ ngủ trong không gian thoáng, rộng, tránh cho trẻ ngủ ở không gian chật chội và bí bách.
  • Trẻ nên được uống đủ nước trong ngày để giữ cho thân nhiệt luôn ổn định, không bị mất nước và nóng bức.

3.4. Vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ

Khi trẻ ra mồ hôi trộm, nếu như không được vệ sinh sạch sẽ có thể dẫn đến nguy cơ bị viêm da, rôm sảy,… Vì vậy, trẻ cần phải được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, giữ người khô ráo bằng cách lau người cho trẻ với khăn sạch hoặc thay quần áo khi đồ cũ của trẻ bị ướt do ra nhiều mồ hôi.

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ khi trẻ đổ mồ hôi trộm

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ tránh bị rôm sẩy, viêm da

3.5. Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý

Cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng ra mồ hôi trộm khi ngủ. Trong chế độ ăn của trẻ, cần lưu ý:

  • Nên cho trẻ ăn những thực phẩm, thức ăn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, làm mát cơ thể như rau xanh đậm, lá dâu, đậu xanh, cá lóc, lá hẹ, trai, sò, hến, cam, bưởi,…
  • Không nên cho trẻ ăn những thực phẩm, thức ăn có tính nóng như vải, nhãn, mít, hạn chế cho trẻ ăn những gia vị cay nóng như ớt, tỏi, hạt tiêu, gừng,…

Một số món ăn chữa mồ hôi trộm cho trẻ mà các mẹ có thể tham khảo:

3.5.1. Cháo trai

Cháo trai cải thiện tình trạng trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ

Cháo trai cải thiện đáng kể tình trạng trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ

Cháo trai có tác dụng thanh nhiệt giải độc tốt, bồi bổ sức khỏe cho cơ thể. Cháo trai cũng giúp bổ sung Canxi, cải thiện tình trạng ra mồ hôi trộm khi ngủ. Cháo trai thường được nấu với rau răm cũng là một loại rau có tác dụng giải nhiệt tốt. Tuy nhiên, trai có tính hàn. Do đó, mỗi tuần các mẹ chỉ nên cho bé ăn khoảng 2-3 lần. Ăn nhiều cháo trai thường xuyên có thể khiến bé bị lạnh bụng dẫn đến tiêu chảy.

Nguyên liệu:

  • 500g trai
  • ½ chén gạo tẻ
  • 50g gạo nếp
  • 2 củ hành khô
  • 1 mớ rau răm
  • Hành tươi
  • Gia vị (muối, đường, nước mắm…)

Cách thực hiện:

  • Trai rửa sạch vỏ, đem ngâm với nước muối cắt vài quả ớt cho trai nhả hết đất cát trong khoảng 20-30 phút.
  • Hành lá xắt nhỏ, rau răm nhặt lá rửa sạch để ráo nước, hành khô băm nhỏ.
  • Sau khi trai đã rửa sạch và ngâm, đem luộc trai trong nồi cho tới khi trai mở hết vỏ. Vớt phần trai đã luộc ra ngoài, để nước trong nồi lắng xuống thì gạn lấy phần nước trong nấu cháo.
  • Tách thịt trai đem rửa lại với nước. Sau đó thái vừa ăn, ướp với chút muối, đường, nước mắm.
  • Cho gạo vào nồi với nước luộc trai để nấu cháo. Trong khi đó, phi thơm hành khô trên chảo, cho thịt trai vào đảo đều khoảng 2 phút.
  • Khi cháo đã chín, cho phần thịt trai vào nồi. Đun tiếp trong 5 phút thì cho rau răm, hành lá và đảo đều. Nêm nếm gia vị vừa ăn là hoàn thành.

3.5.2. Cháo cá lóc

Cá lóc có vị ngọt, tính bình, rất lành và không độc. Cá lóc là một món ăn bổ dưỡng và có thể chữa nhiều bệnh, bồi bổ khí huyết và cải thiện chứng ra mồ hôi nhiều khi ngủ ở trẻ nhỏ. Mỗi tuần, các mẹ có thể cho bé ăn 2-3 bữa cháo cá lóc.

Cháo cá lóc chữa mồ hôi trộm khi ngủ cho con

Thay đổi thực đơn bằng cháo cá lóc, tránh cho con bị nhàm chán

Nguyên liệu:

  • 500g cá lóc hoặc hai khoanh cá lóc to
  • ½ chén gạo tẻ
  • 50g gạo nếp
  • 200g nấm rơm
  • 100g giá đỗ
  • Hành lá
  • Gia vị (muối, đường, nước mắm…)

Cách thực hiện:

  • Sơ chế các nguyên liệu: Cá lóc rửa sạch để ráo nước, nấm làm sạch cắt nhỏ, giá đỗ nhặt sạch rửa để ráo nước, hành lá xắt nhỏ, vo gạo tẻ và gạo nếp.
  • Cho cá lóc vào nồi cùng 1.5l nước luộc chín, vớt cá ra để nguội sau đó gỡ thịt và xương cá riêng. Thịt cá đem ướp với nước mắm, đường khoảng 10 phút.
  • Cho gạo vào nồi, dùng nước luộc cá để nấu cháo.
  • Trong khi đợi cháo chín, xào nấm trong chảo khoảng 2 phút.
  • Khi cháo đã chín, cho nấm, thịt cá đã ướp, giá đỗ vào nồi đun cho tới khi cháo sôi trở lại. Thêm hành lá và tắt bếp là hoàn thành.

3.5.3. Cháo đậu xanh

Đậu xanh có tính hàn và có tác dụng thanh nhiệt giải độc rất tốt. Ăn cháo đậu xanh sẽ giúp trẻ có thân nhiệt ổn định, cơ thể mát mẻ, không bị nóng trong và giảm tình trạng ra mồ hôi trộm khi ngủ. Các mẹ có thể cho trẻ ăn cháo đậu xanh 2 lần/tuần.

Nguyên liệu:

  • 100g đậu xanh
  • ½ chén gạo tẻ
  • 100g thịt nạc vai
  • Gia vị (muối, đường, nước mắm…)

Cách thực hiện:

  • Đậu xanh và gạo vo sạch để ráo nước. Thịt nạc vai xay hoặc băm nhỏ, ướp thịt với chút muối, đường và nước mắm.
  • Bắc nồi lên bếp, nấu đậu xanh và gạo với nước, đun lửa nhỏ, chú ý đảo đáy nồi để tránh cháo bị cháy.
  • Khi cháo chín, bỏ thịt đã ướp vào nồi. Nấu cho đến khi cháo sôi lại thì nêm gia vị vừa ăn là hoàn thành.

3.5.4. Canh rau ngót

Rau ngót là loại rau lành tính cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể trẻ nhỏ. Ăn canh rau ngót sẽ giúp trẻ cung cấp cho cơ thể lượng nước cần thiết cũng như giúp thanh nhiệt và giải độc. Mẹ có thể cho bé ăn canh rau ngót mỗi ngày.

Canh rau ngót thanh nhiệt giải độc, làm giảm tình trạng đổ mồ hôi trộm khi ngủ cho bé

Canh rau ngót thanh nhiệt giải độc, làm giảm tình trạng đổ mồ hôi trộm khi ngủ cho bé

Nguyên liệu:

  • 1 mớ rau ngót
  • 100g thịt nạc xay (hoặc hến)
  • Hành lá
  • Gia vị (muối, đường, nước mắm…)

Cách thực hiện:

  • Hành lá xắt nhỏ, rau ngót nhặt lá rửa sạch vò hơi nát.
  • Cho hành lá vào nồi phi thơm với dầu ăn sau đó cho thịt nạc vào đảo. Đến khi thịt săn lại thì cho 1l nước vào.
  • Đun cho tới khi nước sôi thì bỏ rau ngót vào. Đợi cho tới khi nước sôi lại khoảng 3 phút thì nêm nếm gia vị vừa ăn là hoàn thành.

3.5.5. Canh hến lá dâu

Hến và lá dâu đều có tác dụng giúp cơ thể thanh nhiệt giải độc tốt. Kết hợp hai nguyên liệu trên giúp các mẹ có một món ăn cải thiện chứng ra mồ hôi trộm cho bé hiệu quả. Mỗi tuần, các mẹ có thể cho bé ăn canh hến lá dâu 2 lần.

Nguyên liệu:

  • 1kg hến
  • 50g lá dâu
  • Hành khô
  • Mùi tàu
  • Gia vị (muối, đường, nước mắm…)

Cách thực hiện:

  • Hến ngâm nước vo gạo khoảng 1h cho ra hết đất cát. Lá dâu chọn lá non rửa sạch thái nhỏ. Hành khô băm nhỏ, mùi tàu thái nhỏ.
  • Hến sau khi đã ngâm rửa sạch lại và luộc với nước cho tới khi hến tách hết vỏ thì vớt ra để nguội, đợi nước luộc hến lắng lại thì gạn lấy nước trong nấu canh.
  • Nhặt phần thịt hến ướp với gia vị trong 10 phút.
  • Phi thơm hành khô trong nồi, cho thịt hến vào đảo đều khoảng 2 phút. Sau đó cho nước luộc hến vào. Đun tới khi nước sôi thì cho lá dâu vào trong nồi.
  • Đợi tới khi nước sôi trở lại, cho tiếp lá mùi tàu vào nồi, nêm nếm gia vị vừa ăn là hoàn thành.

Đọc thêm:

Những chia sẻ trên đây hy vọng đã giúp các bậc cha mẹ có thêm tham khảo hữu ích về trường hợp trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ. Hãy áp dụng ngay từ bây giờ để con yêu có giấc ngủ ngon, không phải lo về vấn đề sức khỏe nữa các mẹ nhé!

Trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ liệu có nguy hiểm? 5+ cách chữa trị dứt điểm
5 (100%) 1 vote

Tags :

Bình luận cho bài viết

Vũ Ngọc tâm tamv780@gmail.com

2020-05-01 00:50:49

Xin tư vấn

Trả lời
  • Forikid TW3 namnguyen.pveser@gmail.com

    2020-05-07 11:06:50

    Chào chị, để nhận được tư vấn chi tiết nhất chị vui lòng liên hệ theo Hotline 1900.3199 để được chuyên gia hỗ trợ nhé.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC