Hiểu và chăm sóc trẻ sơ sinh bị nóng trong người

Đăng bởi Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền | Đăng lúc : 16/03/2023 16:11:41

Trẻ sơ sinh bị nóng trong người là thông tin mà rất nhiều chị em đang tìm kiếm. Vì thế, mình tổng hợp lại những kinh nghiện của bản thân khi chăm sóc trẻ. Hy vọng sẽ giúp đỡ được nhiều chị em đang nuôi con nhỏ. Đặc biệt là với những người lần đầu làm mẹ.

Nội dung bài viết

1. Trẻ sơ sinh bị nóng trong người hay có biểu hiện ra sao?

Khi trẻ sơ sinh bị nóng trong người thường có 10 biểu hiện như sau.

1.1. Trẻ sơ sinh bị nóng trong nổi mụn

Trẻ nổi mụn do nóng trong người

Trẻ nổi mụn do nóng trong người

Nóng trong gây nổi mụn ban đầu sẽ khiến bé ngứa ngáy nhẹ. Khi các nốt mụn sưng lên, bé sẽ thấy đau và khó chịu. Trong nhiều trường hợp, bé gặp phải các nốt mụn to, gây đau đớn. Bé còn có thể bị sốt khiến bé mệt mỏi, uể oải, lười ăn, hay quấy khóc.

1.2. Trẻ sơ sinh bị nóng trong hay táo bón

Nóng trong người gây ra táo bón khiến trẻ khó chịu, đau khi đi vệ sinh, ăn không ngon. Táo bón kéo dài sẽ khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, giảm thể lực, rối loạn tiêu hóa, gây ra các vấn đề về trực tràng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển của trẻ.

1.3. Trẻ sơ sinh hay quấy khóc, đêm ngủ không ngon, trằn trọc

Trẻ bị nóng trong người sẽ rất “bức bối” dẫn đến quấy khóc, đêm ngủ không ngon, trằn trọc. Trẻ thức dậy thường hay mè nheo, kèm theo nhiều hệ quả khác như trẻ lười bú, lười ăn.

Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chậm tăng cân và phát triển chiều cao. Trẻ bị mất tập trung, giảm khả năng học hỏi. Ngoài ra còn tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau do hệ miễn dịch suy giảm.

1.4. Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm

Đổ mồ hôi trộm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ. Giấc ngủ của bé sẽ bị làm phiền bởi mồ hôi. Vì thế, con ngủ không ngon, thường bị tỉnh giấc vì người lạnh.

1.5. Da môi và cơ thể trẻ sơ sinh khô

Nóng trong người cũng có thể khiến bé gặp phải tình trạng da khô, môi khô là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý da liễu bùng phát. Đây cũng là môi trường sống lý tưởng của các vi khuẩn gây bệnh.

1.6. Khoang miệng trẻ sơ sinh bị nóng trong người có vết loét, nhiệt miệng

Cũng giống như người lớn, trẻ bị nóng trong người cũng có thể có những biểu hiện nhiệt miệng, loét miệng rất khó chịu, thậm chí là đau. Trẻ bị loét miệng, nhiệt miệng thường sẽ lười ăn, lười bú do đau và khó chịu ở miệng.

1.7. Trẻ sơ sinh chậm tăng cân

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị nóng trong là chậm tăng cân

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị nóng trong là chậm tăng cân

Nóng trong người kéo dài sẽ khiến trẻ bị chậm tăng cân. Nguyên nhân là nóng trong người khiến trẻ lười ăn, bỏ bú khiến cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất để phát triển chiều cao, cân nặng và cả trí tuệ nữa.

Xem thêm:

1.8. Hơi thở trẻ sơ sinh bị nóng trong nóng, hôi

Trẻ khi nóng trong người cũng thường bị hôi miệng, cơ thể có mùi do miệng khô hay lở loét (nhiệt miệng) khiến vi khuẩn gây mùi trong miệng hoạt động mạnh. Vì vậy hơi thở của bé thường có mùi hôi khó chịu.

1.9. Trẻ sơ sinh da bị rôm sảy

Rôm sảy thường đi kèm với ngứa ngáy khiến con khó chịu, ngủ không ngon giấc, bỏ bú. Ngoài ra trẻ bị rôm sảy khi gãi ngứa rất dễ bị vi khuẩn tấn công da gây bội nhiễm.

1.10. Nước tiểu trẻ sơ sinh vàng, ít đi tiểu.

Trẻ ít đi tiểu và nước tiểu có màu vàng đậm. Nước tiểu thường sẽ phản ánh 1 phần nào tình trạng sức khỏe của con. Do đó quan sát nước tiểu sẽ giúp mẹ dễ dàng nhận biết được con có thật sự khỏe mạnh hay không.

2. Biết nguyên nhân để chăm trẻ sơ sinh bị nóng trong người tốt hơn

2.1. Chế độ dinh dưỡng của trẻ sơ sinh không phù hợp

Một chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, hợp lý sẽ giúp con khỏe mạnh, mau lớn. Ngược lại nếu chế độ dinh dưỡng không phù hợp sẽ khiến con gặp phải nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Phổ biến nhất là khiến trẻ bị nóng trong.

Những chế độ dinh dưỡng không phù hợp khiến trẻ bị nóng trong bao gồm:

  • Uống không đủ nước: Nước giúp hệ bài tiết hoạt động ổn định, giúp làm giảm thân nhiệt. Do đó nếu trẻ bị thiếu nước sẽ dẫn đến tăng thân nhiệt, nóng trong.
  • Sử dụng sữa không phù hợp: Các loại sữa công thức chứa quá nhiều đạm, ít chất xơ nên cũng khiến con bị nóng trong.
  • Chế độ dinh dưỡng: Nhiều tinh bột, nhiều chất đạm, nhiều chất béo sẽ khiến trẻ rất dễ bị nóng trong vì những chất dinh dưỡng này thường gây ra nhiệt lượng lớn.
  • Chế độ ăn uống của mẹ: Đối với trẻ đang bú mẹ thì thức ăn mẹ ăn vào sẽ theo sữa mẹ vào cơ thể con. Do đó sẽ tác động trực tiếp vào con. Vì vậy nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ không khoa học, không cân đối sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới con. Mẹ sử dụng nhiều thực phẩm cay, nóng cũng sẽ gây nóng trong cho trẻ.

2.2. Chức năng gan hoạt động kém

Gan là cơ quan có vai trò chính trong quá trình chuyển hóa. Ngoài ra còn có một số các chức năng khác như: Dự trữ glycogen, tổng hợp protein huyết tương và thải độc.

Vì vậy nếu chức năng gan hoạt động kém sẽ khiến trẻ sơ sinh bị nóng trong người do các độc tố của cơ thể tích tụ trong cơ thể thay vì bị tống khứ ra khỏi cơ thể gây nên.

2.3. Hệ miễn dịch của bé suy giảm

Hệ miễn dịch suy yếu khiến trẻ sơ sinh dễ bị ốm

Hệ miễn dịch suy yếu khiến trẻ sơ sinh dễ bị ốm

Hệ miễn dịch suy giảm là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh lý khác nhau. Do lúc này cơ thể không thể kháng lại các tác nhân gây bệnh. Nóng trong người cũng là tình trạng trẻ dễ gặp phải khi hệ miễn dịch suy yếu.

2.4. Dị ứng với thực phẩm

Một số loại thực phẩm gây dị ứng cho bé cũng là nguyên nhân tác động khiến bé bị nóng trong. Gan, thận hoạt động quá tải không bài tiết hết độc tố gây dị ứng ra khỏi cơ thể tích tụ lại gây ra nóng trong.

Những thực phẩm dễ gây dị ứng ở trẻ mẹ cần phải cẩn trọng bao gồm: Sữa bò, trứng gà, đậu phộng, lúa mì, đậu nành, các loại hạt (hạt điều, hạt mắc ca, óc chó, hạt thông …) hải sản, động vật có vỏ (tôm hùm, cua, ghẹ, tôm, sò, hàu, ngao …)

2.5. Sử dụng nhiều thuốc kháng sinh khiến trẻ sơ sinh bị nóng trong

Thuốc kháng sinh nếu không sử dụng hợp lý hoặc sử dụng trong thời gian dài thường sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau như: Đau dạ dày, táo bón, nóng trong người.

3. Trẻ sơ sinh bị nóng trong người nên ăn gì

Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý như bổ sung đầy đủ nước kết hợp với chế ăn uống lành mạnh nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ít đạm, chất béo sẽ giúp cải thiện tình trạng nóng trong ở trẻ hiệu quả.

3.1. Trẻ sơ sinh còn bú mẹ

Mẹ cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng của mình sao cho hợp lý. Theo đó, trong khẩu phần ăn mỗi ngày của mẹ nên:

  • Hạn chế các thức ăn giàu đạm, chất béo.
  • Nên bổ sung nhiều rau xanh cũng như hoa quả tươi.
  • Tránh ăn những thực phẩm gây nóng trong như một số loại hoa quả như vải, nhãn, đào, mận hay hạn chế ăn tiêu, ớt.

3.2. Trẻ sơ sinh bắt đầu dùng sữa công thức

Đối với trẻ bắt đầu dùng sữa công thức, mẹ cần chọn sữa công thức với những tiêu chí sau:

  • Dưỡng chất trong sữa công thức gần giống với sữa mẹ nhất.
  • Lựa chọn các loại sữa công thức là sữa mát, phải có thành phần bổ sung chất xơ hòa tan.

Một số loại sữa công thức được nhiều mẹ tin tưởng lựa chọn hiện nay như: Physiolac, Sữa Nan Nga của hãng Nestle, Sữa Celia của Pháp, Sữa Premium Digestive, Sữa Morinaga số 9 của Nhật.

3.3. Trẻ sơ sinh đã bắt đầu ăn dặm

Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây vào khẩu phần ăn của trẻ

Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây vào khẩu phần ăn của trẻ

Với những trẻ đã bắt đầu ăn dặm thì mẹ nên chia tỷ lệ các nhóm chất trong khẩu phần ăn của trẻ một cách hợp lý. Điều này giúp con vừa dễ hấp thu và cũng giúp hạn chế nóng trong, táo bón ở trẻ.

3.3.1. Nhóm rau

Các loại rau có tính mát, thanh nhiệt như: Rau ngót, rau mồng tơi, rau diếp cá, rau dền, rau muống … chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu. Ngoài ra các loại rau này còn giúp giải độc, lợi tiểu, tốt cho thị lực…

Mẹ có thể chế biến cùng với bột ăn dặm cho bé hàng ngày.

3.3.2. Nhóm trái cây

Các loại trái cây có tính mát, thanh nhiệt như: Cam, chanh, bưởi, thanh long, dưa hấu, dứa, đu đủ, xoài, táo, chuối, dưa gang, dâu, chanh leo…

Những loại quả này chứa nhiều vitamin, khoáng chất, và nước. Mẹ có thể ép lấy nước hoặc xay sinh tố để cho bé uống. Ví dụ:

  • Nước cam, chanh, bưởi có nhiều vitamin C, do đó có tác dụng giải khát và giải nhiệt rất tốt.
  • Nước chanh leo bổ sung nhiều vitamin C, A, khoáng chất như kali, photpho,… Ngoài ra chanh leo còn có tính mát, vị chua ngọt nên uống nước chanh dây hoặc sinh tốt chanh dây giúp giải nhiệt rất hiệu quả.
  • Nước dừa có chứa nhiều kali và giàu các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Uống nước dừa sẽ giúp bổ sung nước cũng như điện giải, giúp giải nhiệt, thanh mát.

Như vậy, đối với các loại rau mẹ nên chế biến kèm với bột ăn dặm để con dễ ăn hơn hoặc ép lấy nước uống. Đối với hoa quả mẹ có thể cho bé ăn trực tiếp hoặc xay sinh tố hay ép lấy nước để cho con uống, tùy thuộc vào con đã biết ăn hay chưa.

Lưu ý: Tùy vào thể trạng của bé mà liều lượng khi sử dụng các loại rau có tính mát thanh nhiệt, các loại hoa quả giải nhiệt sẽ khác nhau. Không nên bổ sung quá nhiều sẽ khiến trẻ dễ bị tiêu chảy, đau bụng…

3.4. Thực phẩm trẻ sơ sinh bị nóng trong nên hạn chế sử dụng

Những thực phẩm trẻ cần tránh để không làm tình trạng nóng trong người tồi tệ hơn:

  • Đồ ăn giàu đạm, chất béo
  • Đồ ăn quá cay, nóng, nhiều tiêu, nhiều ớt.
  • Bé ăn mặn, ăn quá ngọt
  • Các loại quả sinh nhiều nhiệt như đào, mận, vải, nhãn.

4. Hoạt động thể chất thường xuyên tốt cho trẻ sơ sinh bị nóng trong người

Hoạt động thể chất không chỉ tốt ở trẻ em, người lớn mà với trẻ sơ sinh cũng cực kỳ tốt. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh thường thì cần sự trợ giúp của bố mẹ. Vì vậy bố mẹ nên thường xuyên giúp con các cử động co, duỗi tay, chân hay thực hiện các bài tập đạp xe, gập chân để giúp con khỏe mạnh hơn.

5. Thuốc chữa cho trẻ sơ sinh bị nóng trong người

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc chữa nóng trong cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trước khi sử dụng mẹ cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về sản phẩm.

Nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm định chất lượng. Không nên tin tưởng lời người bán 100% kẻo tiền mất, tật mang.

Các mẹ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay phương pháp điều trị nào cho trẻ cũng cần thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ. Không nên tự ý điều trị tại nhà bởi các thuốc trị nóng trong nếu điều trị không đúng cách có thể khiến gan thêm áp lực. Không những không khỏi nóng trong mà ngược lại còn khiến tình trạng tồi tệ hơn và ảnh hưởng đến các cơ quan, chức năng khác trong cơ thể.

6. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị nóng trong người

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị nóng trong các mẹ cần biết:

  • Cho bé uống sữa mát và thức ăn có vị nhạt, ít muối, ít đường.
  • Tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ cho bé mỗi ngày.
  • Sử dụng kem chống hăm cho bé để giúp con luôn khô thoáng và tránh nổi mụn, nhọt.
  • Không nên quá ủ ấm cho con bởi trẻ sơ sinh thường có thân nhiệt cao hơn người lớn.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, nên lựa chọn quần áo có chất liệu mềm, thấm hút.

7. Vấn đề trẻ sơ sinh thường gặp

Ngoài việc chia sẻ về cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị nóng trong người. Chị Lan cũng chia sẻ thêm về một số vấn đề trẻ sơ sinh thường gặp, đây có thể là thông tin hữu ích với những mẹ lần đầu sinh em bé.

7.1. Trẻ sơ sinh hay bị mắc hơi, nấc cục

Nguyên nhân nấc cục ở trẻ sơ sinh chưa tìm ra chính xác. Nhiều người cho rằng, nấc cục liên quan đến việc truyền xung thần kinh chưa ổn định giữa não và cơ hoành, cơ bụng. Nấc cục ở trẻ thường không quá nguy hiểm và sẽ biến mất khi trẻ lớn lên.

Tuy nhiên, nếu trẻ nấc cục kèm theo các biểu hiện khác như nôn trớ, hay giật mình, trằn trọc, ngủ không ngon giấc, đổ mồ hôi, chậm tăng cân… thì cần đi khám bác sĩ ngay bởi có thể đây là biểu hiện của việc thiếu vitamin D ở trẻ.

7.2. Trẻ sơ sinh hay vặn mình đánh hơi

Nóng trong khiến cơ thể trẻ khó chịu hay vặn mình, quấy khóc

Nóng trong khiến cơ thể trẻ khó chịu hay vặn mình, quấy khóc

Trẻ sơ sinh hay vặn mình, gồng người là biểu hiện thường gặp ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Nếu như trẻ vặn mình nhưng không quấy khóc, khó chịu mà bé vẫn khỏe mạnh, tăng cân đều thì hoàn toàn không có gì đáng lo ngại.

Nếu trẻ hay vặn mình đánh hơi thì rất có thể liên quan đến chế độ dinh dưỡng của mẹ (đối với trẻ đang bú mẹ) và của bé đối với bé uống sữa công thức và đang ăn dặm.

Một số thực phẩm mẹ ăn có thể khiến bé đánh hơi nhiều là hành tây, cải bắp, súp lơ, măng tây, trứng, tinh bột, cà chua, khoai tây…

7.3. Trẻ sơ sinh đi ị nhiều lần trong ngày

Trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu đời thường đi ngoài nhiều lần trong ngày. Theo dân gian thì trẻ càng lẹt xẹt càng nhanh lớn. Tuy nhiên trẻ đi ị nhiều lần trong ngày chỉ bình thường khi con bú mẹ hoàn toàn và mẹ thì không bị tiêu chảy hay ăn hải sản sống.

Ngoài ra nếu con đi ị nhiều lần nhưng không nôn trớ, phân không có máu, con vẫn ăn ngon, ngủ kỹ thì điều này hoàn toàn không có gì nguy hiểm cả. Ngược lại nếu con đi ị nhiều, kèm theo buồn nôn, phân có máu, mệt mỏi, biếng ăn thì cần cho con đi khám ngay.

7.4. Trẻ sơ sinh hay nôn trớ

Nôn trớ là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do thức ăn trong dạ dày bị đẩy đến thực quản rồi trào ra miệng.

Nôn trớ sẽ là bình thường nếu tình trạng này xảy ra ở 3 tháng đầu đời vì lúc này dạ dày của bé còn nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu, nên nếu bé bú nhiều sẽ dễ bị nôn trớ.

Trong trường hợp bé nôn trớ kèm theo nóng sốt hay tiêu chảy, sổ mũi, ho, phát ban,… thì cần đưa trẻ đi khám ngay.

7.5. Trẻ sơ sinh hay hắt hơi, nhảy mũi

Hắt hơi hay nhảy mũi cũng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh do mũi của trẻ rất nhỏ, 1 chút bụi bẩn cũng có thể khiến bé hắt hơi ngay. Ngoài ra thì việc thay đổi môi trường sống từ bụng mẹ ra bên ngoài cũng là nguyên nhân khiến con hắt hơi, nhảy mũi do một số xung huyết.

Nếu trẻ hắt hơi, nhảy mũi nhưng không kèm theo các biểu hiện cảm cúm khác thì hoàn toàn là bình thường, không có gì cần lo lắng.

7.6. Cổ họng trẻ sơ sinh hay khò khè

Có đến 80% trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu mắc chứng khò khè khi thở. Khò khè sẽ là bình thường nếu con không ho, không nóng sốt hay sổ mũi.

Tình trạng này thường gặp ở trẻ sinh mổ hơn sinh thường. Nguyên nhân là trẻ sinh mổ thì không trải qua quá trình rặn đẻ của mẹ, rặn đẻ giúp quá trình co thắt – vận động một cách tự nhiên ở hệ hô hấp, giúp phổi của con vận động ngay từ lúc chào đời để chủ động đẩy các chất nhầy ra khỏi cuống phổi. Ngoài ra trẻ sinh thiếu tháng, thai nhẹ cân, thời gian đau đẻ của mẹ ngắn, các cơn gò ít thì trẻ sinh ra thường vẫn còn sót lại chất nhầy trong phế quản, do đó trẻ hay khò khè hơn.

7.7. Trẻ sơ sinh bị sốt

Trẻ bị sốt có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nếu sốt không cao quá 38.5 độ C thì đa phần không phải do sốt virus mà có thể là sốt do mọc răng, rối loạn tiêu hóa, tiêm phòng…

Trẻ sốt từ 38.5 độ C trở đến thường là sốt do virus.

Mức độ sốt của trẻ được phân loại như sau:

  • Sốt 37 – 38 độ C là sốt nhẹ.
  • Sốt 38.5 – 39.5 độ C là sốt vừa.
  • Sốt từ trên 39.5 độ C là sốt cao.

Khi trẻ sốt trên 40 độ thì cần cho con nhập viện để được khám và điều trị ngay vì rất biến chứng nặng như co giật…

Hy vọng với những chia sẻ này các bà mẹ có con lần đầu không còn bỡ ngỡ khi trẻ sơ sinh bị nóng trong người cũng như những bệnh thường gặp ở trẻ. Các mẹ biết chăm sóc con tốt, nuôi con khỏe mạnh hơn.

Hiểu và chăm sóc trẻ sơ sinh bị nóng trong người
5 (100%) 3 votes

Tags :

Bình luận cho bài viết

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC