Biếng ăn là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ dễ bắt gặp ở các gia đình có con nhỏ. Nhưng không phải ai cũng biết trẻ biếng ăn vì sao.
Biếng ăn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Và được chia thành các nhóm nguyên nhân chính sau: Biếng ăn sinh lý, biếng ăn tâm lý và biếng ăn do bệnh lý. Dưới đây là 12 lý do khiến trẻ biếng ăn.
1. Nhận biết khi trẻ biếng ăn
Các biểu hiện thường gặp ở trẻ biếng ăn:
- Thời gian mỗi bữa ăn kéo dài. Bữa ăn chính kéo dài trên 30 phút, bữa ăn phụ thường kéo dài trên 20 phút.
- Cân nặng nhẹ hơn so với chuẩn của lứa tuổi.
- Chỉ ăn một vài thức ăn và ăn ít.
- Quấy nhiễu hoặc khóc lóc trong bữa ăn.
- Từ chối hoặc lảng tránh việc ăn uống.
- Số lượng hoặc lượng thức ăn mỗi bữa mà bé ăn ít hơn so với các bạn.
2. Trẻ biếng ăn vì sao?
Trẻ biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Có thể là do sinh lý thay đổi, do gặp các vấn đề về sức khỏe hay do ăn đồ ăn vặt quá nhiều…
Vì vậy để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ trước hết cần xác định được chính xác nguyên nhân vì sao biếng ăn, từ đó mới áp dụng đúng phương pháp điều trị được.
2.1. Biếng ăn sinh lý
Nếu trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng tự nhiên lại ăn ít đi trong vài ngày hoặc vài tuần thì rất có thể trẻ chỉ biếng ăn do sinh lý có sự thay đổi thôi. Vào các giai đoạn phát triển như trẻ biết lẫy, ngồi, tập đi, mọc răng… bé sẽ ăn kém hơn.
Tuy nhiên tình trạng này thường không kéo dài. Mặc dù vậy mẹ cũng nên chú ý và có biện pháp khắc phục kịp thời. Bởi nếu không chú ý rất trẻ rất dễ hình thành thói quen biếng ăn.
- Theo dõi quá trình phát triển của trẻ theo từng giai đoạn để kịp thời nắm bắt được nguyên nhân.
- Chia nhỏ bữa ăn để vẫn cung cấp được đầy đủ dưỡng chất và năng lượng mỗi ngày cho trẻ.
Lưu ý: Đối với nguyên nhân trẻ biếng ăn do sinh lý mẹ không nên quá lo lắng. Mẹ hãy kiên nhẫn chia nhỏ bữa ăn và thuyết phục con ăn nhé.
2.2. Vấn đề sức khỏe
Khi sức khỏe có vấn đề, biểu hiện đầu tiên và rõ rệt nhất ở trẻ thường là biếng ăn. Bé bỏ ăn hoặc ăn rất ít. Một số bệnh lý khiến trẻ biếng ăn là:
- Mắc các bệnh lý như cảm cúm, sổ mũi, viêm họng, viêm phế quản, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi… là nguyên nhân khiến trẻ chán ăn.
- Trẻ mọc răng thường khiến trẻ bị sốt hoặc khó chịu ở miệng. Vì vậy mà trẻ sẽ không muốn ăn gì cả.
- Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón thường làm cho trẻ sợ ăn. Vì khi trẻ ăn vào thường bị đau bụng.
- Âm hư thận yếu: Thận yếu, âm hư có nghĩa sức khỏe của bé đang gặp vấn đề. Bình thường trong cơ thể, âm dương luôn cân bằng. Nhưng ở trẻ nhỏ phần âm bị thiếu hụt, lượng tân dịch bị thiếu dẫn đến tình trạng nóng trong, táo bón, miệng khô, biếng ăn, đổ mồ hôi trộm và có thể bị đái dầm.
2.3. Ăn nhiều đồ vặt, đồ ngọt trong ngày
Đồ ăn vặt, đồ ăn ngọt (chứa nhiều đường), đồ ăn nhiều dầu mỡ hay các loại thức uống có ga sẽ làm cho trẻ no lâu. Do đó, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe của trẻ. Điều này khiến cho trẻ không thấy đói khi đến bữa ăn chính. Vì vậy, trẻ sẽ thường từ chối bữa ăn hoặc ăn rất ít.
Tóm lại, mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn vặt, đồ ngọt trong ngày của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ có sức khỏe tốt, hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Và đặc biệt là bé ăn ngon miệng hơn trong bữa ăn chính.
2.4. Có quá nhiều bữa phụ
Cho bé ăn nhiều bữa phụ trước bữa chính sẽ khiến cho bé không muốn ăn, lười ăn. Nguyên nhân là vì trẻ không cảm thấy đói nên không hứng thú với bữa ăn. Để khắc phục, mẹ hãy giảm số lượng bữa phụ và số lượng thức ăn mỗi bữa của trẻ xuống.
Ngoài ra mẹ cũng cần lưu ý, đối với bữa phụ không nên cho bé ăn đồ ăn là các thức ăn nhanh. Đặc biệt là không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn: Nhiều dầu mỡ, nhiều đường như bánh, kẹo hay đồ uống có ga. Vì những đồ ăn này sẽ làm cho bé no lâu và không tốt cho sức khỏe.
2.5. Món ăn không hợp khẩu vị, thực đơn nhàm chán
Nhiều mẹ thường chọn món ăn của trẻ theo suy nghĩ chủ quan của mình. Và mẹ cũng thường ép con ăn theo sở thích của mình. Tuy nhiên trẻ có sở thích riêng nên mẹ xem con thích gì để chọn thực đơn phù hợp.
Ngoài ra, mẹ nên bổ sung nhiều món ăn mới lạ vào thực đơn cho con để không nhàm chán. Đồng thời, vẫn bổ sung đầy đủ dưỡng chất và năng lượng cho cơ thể trẻ.
2.6. Trẻ bị suy nhược, không có cảm giác thèm ăn
Khi bị suy nhược cơ thể, sức khỏe suy giảm trẻ sẽ không có cảm giác thèm ăn. Vì vậy, trẻ thường biếng ăn, lười ăn, thậm chí là sợ ăn.
Để khắc phục tình trạng biếng ăn do suy nhược cơ thể thì mẹ cần bồi bổ cho trẻ khỏe hơn. Khi trẻ khỏe thì trẻ sẽ ăn uống ngon miệng hơn.
Ngoài ra, mẹ cũng cần thay đổi thực đơn phong phú, bài trí món ăn đẹp mắt hơn. Điều này sẽ giúp trẻ hứng thú với bữa ăn hơn.
2.7. Tâm lý sợ ăn
Nhiều bé sợ ăn do thường bị bố mẹ quát mắng, dọa dẫm ép ăn hoặc do không khí bữa ăn căng thẳng cũng khiến cho trẻ bị sợ ăn. Điều này cũng hình thành thói quen xấu trong ăn uống của trẻ. Trẻ sẽ chỉ ăn khi quát mắng hoặc bị ép ăn mà không tự giác ăn.
Vì vậy thay vì dọa dẫm, quát mắng hay ép con ăn mẹ nên kiên nhẫn giới thiệu các món ăn để trẻ “xiêu lòng” và thích thú với bữa ăn hơn. Theo kinh nghiệm của nhiều chị em thì nên kiên nhẫn giới thiệu món ăn cho con ít nhất là 10 lần.
2.8. Có nhiều thứ xao lãng trong bữa ă
Một nguyên nhân phải kể đến khiến trẻ xao lãng trong bữa ăn là tivi, điện thoại, đồ chơi, ipad.
Nhiều cha mẹ không hiểu trẻ biếng ăn vì sao, mà không biết chính việc sử dụng những thiết bị trên để dỗ con ăn sẽ hình thành thói quen xấu khi ăn. Cách này không tốt cho hệ tiêu hóa và khiến trẻ không thiết ăn uống.
2.9. Thiếu chất dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng thiếu các khoáng chất như kẽm, sắt, đồng, selen,… cũng khiến trẻ cảm thấy ăn không ngon miệng.
- Kẽm
Kẽm có tác dụng trong việc thực hiện quá trình trao đổi chất, sản sinh tế bào cho cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và hỗ trợ phát triển trí não.
Kẽm là nhân tố cực kỳ quan trọng tham gia vào các hoạt động của Enzyme và hormone cải thiện thị lực, vị giác và khứu giác. Chính vì vậy nếu cơ thể thiếu kẽm trẻ sẽ thường cảm thấy chán ăn hoặc ăn không ngon miệng.
Mẹ có thể bổ sung kẽm cho con từ các loại thực phẩm như: Thịt bò, thịt lợn, thịt gà, hàu, tôm hùm, đậu lăng, đậu xanh, đậu đỏ, hay hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều…
- Sắt
Nếu thiếu sắt cơ thể sẽ không thể tạo ra được hemoglobin để hình thành hồng cầu. Trẻ biếng ăn thường bị thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng khiến cho các cơ và mô không nhận được đủ oxy.
Bổ sung sắt cho trẻ thông qua các loại thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, đậu phụ, hàu, tôm, cải bó xôi, rau ngót, mồng tơi…
2.10. Hoạt động quá sức trước khi ăn
Cho trẻ vui chơi quá sức trước bữa ăn cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ lười ăn khi đến bữa. Lý do là bởi dù đến bữa ăn nhưng dư âm của trò chơi đang còn vương vấn trong bé hoặc chơi quá sức khiến trẻ mệt mỏi, uể oải làm mất hứng thú ăn uống.
Với nguyên nhân biếng ăn do hoạt động quá sức trước bữa ăn thì mẹ cần kiểm soát thời gian chơi đùa và hoạt động của trẻ, đặc biệt nên cho trẻ ngừng các hoạt động quá sức trước bữa ăn mà thay vào đó trẻ có thể chơi những trò chơi nhẹ nhàng, tại chỗ như xếp hình, đọc sách, đoán hình…
2.11. Thay đổi hormone tuổi dậy thì
Thay đổi hormone cũng là nguyên nhân khiến cho tâm sinh lý của trẻ thay đổi. Do đó trong giai đoạn này trẻ sẽ gặp phải một số vấn đề nhất định, trong đó biếng ăn, lười ăn hơn cũng là một biểu hiện của sự thay đổi hormone.
Đối với trẻ bị thay đổi hormone tuổi dậy thì biếng ăn thì cách khắc phục tốt nhất là:
- Tạo tâm lý thoải mái trong bữa ăn cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Hỏi han và chia sẻ với con về những sự thay đổi trong cơ thể của trẻ.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp, thực đơn phong phú, đa dạng và để trẻ tự chọn lựa món ăn theo sở thích sẽ giúp trẻ vượt qua chứng biếng ăn giai đoạn này một cách hiệu quả hơn.
2.12. Tác dụng phụ do dùng thuốc
Một số loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị bệnh có thể có tác dụng phụ khiến trẻ biếng ăn. Do đó, trước khi sử dụng thuốc để điều trị bệnh cho bé cần đưa trẻ đi khám bác sĩ và điều trị theo đúng chỉ dẫn về thời gian uống, liều lượng mà bác sĩ kê đơn. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về nhà điều trị cho con.
Bên cạnh đó để cải thiện chứng biếng ăn do tác dụng phụ của thuốc mẹ có thể:
- Cho bé ăn nhiều bữa nhỏ thay vì 1 bữa chính.
- Chế biến thức ăn dạng lỏng hoặc mềm hơn để trẻ dễ dàng tiêu hóa thức ăn.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, có thể uống sữa, nước ép hoa quả để bổ sung năng lượng cũng như cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Kịp thời bổ sung vitamin nhóm B, vitamin A, D, E và đặc biệt là các khoáng chất như kẽm, canxi cho cơ thể trẻ.
- Cho trẻ ăn thêm sữa chua hoặc men vi sinh để dễ tiêu hóa.
- Không sử dụng thuốc bổ trong khi đang điều trị bệnh bằng thuốc cho trẻ.
3. Một số lưu ý cho mẹ khi trẻ biếng ăn
Ngoài những cách khắc phục khi trẻ bị biếng ăn ở trên thì mẹ cũng cần lưu ý những điều sau:
- Đối với trẻ bị biếng ăn do bệnh lý cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để điều trị bệnh kịp thời.
- Nên cho trẻ ăn cơm cùng với các thành viên khác trong gia đình, đồng thời tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong mỗi bữa ăn để kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Tôn trọng sở thích của con nhưng tuyệt đối không nuông chiều, chỉ cho ăn những gì bé thích mà cần cân đối giữa sở thích và chế độ dinh dưỡng.
- Không kéo dài bữa ăn quá lâu. Đối với thời gian ăn của bé tốt nhất chỉ gói gọn trong 30 phút đối với bữa ăn chính và không quá 20 phút đối với bữa ăn phụ.
- Đối với những trẻ đã có thể tự xúc ăn thì nên để trẻ tự lập, điều này sẽ làm tâm trạng bé vui vẻ hơn khi ăn thay vì như cỗ máy mẹ đút là ăn.
- Ngoài ra nên cho bé tham gia vào các công đoạn chuẩn bị món ăn hoặc xem mẹ chế biến món ăn sẽ giúp trẻ yêu quý món ăn mẹ nấu hơn.
Như vậy khi trẻ biếng ăn mẹ cần xác định trẻ biếng ăn vì sao, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp. Nếu có ý định sử dụng thuốc biếng ăn cho trẻ thì cần phải tìm hiểu kỹ và có sự đồng ý của bác sĩ, tránh gây ra những hậu quả không mong muốn.
“Với 9 năm kinh nghiệm là chuyên gia tư vấn hàng đầu về Y dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, tôi không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đem lại những thông tin hữu ích cho người bệnh.”
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.