Hỏi: Chào chuyên gia. Em năm nay 27 tuổi, lần đầu làm mẹ, em sinh cháu được 7 tháng. Trong 6 tháng đầu đời bé bú mẹ ngoan và ngủ ngon. Nhưng bước vào tháng thứ 7, đột nhiên em thấy bé ra mồ hôi trộm nhiều ở đầu. Em rất hoang mang không biết tình trạng trên là do đâu. Đây có phải là biểu hiện của bệnh gì không và cần làm sao để xóa bỏ tình trạng này. Mong hồi âm sớm từ chuyên gia. Em xin cảm ơn.
(Bạn Huyền Trang – Hà Nội)
Chào bạn, tình trạng ra mồ hôi trộm ở đầu khá phổ biến ở trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi và trẻ nhỏ. Do đó bạn không nên quá hoang mang hay lo lắng nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn cũng như chất lượng sữa cho con bú. Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin được giải thích như sau.
1. Bé ra nhiều mồ hôi trộm nhiều ở đầu liệu có phải là biểu hiện của bệnh lý?
Ra mồ hôi trộm có thể xuất phát từ sinh lý hoặc là dấu hiệu của một số bệnh lý. Một số nguyên nhân bệnh lý gây đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là: Thiếu Canxi, thiếu Vitamin D, còi xương, suy dinh dưỡng, âm hư…
1.1. Nguyên nhân bệnh lý gây đổ mồ hôi trộm ở trẻ
- Thiếu Canxi: Đa số trẻ bị thiếu Canxi đều gặp phải tình trạng ra mồ hôi trộm khi ngủ. Bởi vì Canxi rất quan trọng trong sự phát triển hệ xương, hệ thần kinh, hệ miễn dịch ở trẻ. Thiếu hụt Canxi thì hoạt động truyền dẫn thần kinh bị ức chế, công năng hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh suy giảm. Do đó, gây nên tình trạng đổ mồ hôi trộm khi ngủ. Ngoài ra, trẻ còn khóc đêm, ngủ giật mình, dễ nổi cáu.
- Thiếu Vitamin D:Thiếu Vitamin D là nguyên nhân dẫn đến bé đổ mồ hôi nhiều ở đầu khi ngủ.
- Còi xương: Còi xương là biểu hiện của thiếu Canxi, Vitamin và khoáng chất khác cần thiết cho xương phát triển. Đi kèm với còi xương là biểu hiện trẻ đổ mồ hôi trộm, ngủ hay quấy khóc, chậm phát triển…
- Suy dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng gây nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau ở trẻ nhỏ. Trong đó có triệu chứng bé đổ mồ hôi nhiều ở đầu.
- Rối loạn hệ thần kinh tự chủ (còn gọi là hệ thần kinh thực vật): Trẻ nhỏ các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện về chức năng. Do đó, các hoạt động của cơ thể thường gặp rối loạn. Tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể do rối loạn hệ thần kinh thực vật gây nên.
- Âm hư: Đối với những người âm dương cân bằng thì đồng nghĩa với sức khỏe tốt. Khi âm dương mất cân bằng thì cơ thể sẽ gặp vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ bị âm hư sẽ dẫn tới mồ hôi trộm, đái dầm, biếng ăn…
1.2. Nguyên nhân khách quan gây đổ mồ hôi trộm ở trẻ
Ngoài ra, các nguyên nhân khách quan khiến bé ra mồ hôi trộm ở đầu như: Môi trường, quần áo, tư thế nằm… Cụ thể:
- Đầu dễ tiết nhiệt hơn cơ thể: Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đầu là cơ quan có nhiều tuyến mồ hôi nhất. Vì vậy, nếu như mồ hôi trộm ở người lớn có thể ra nhiều ở nách, lòng bàn tay, lòng bàn chân, … thì ở trẻ nhỏ mồ hôi trộm thường nhiều nhất ở đầu.
- Môi trường thời tiết: Thời tiết nắng nóng, oi bức cũng là nguyên nhân gây đổ mồ hôi nhiều ở trẻ.
- Quần áo: Nhiều bậc phụ huynh luôn lo rằng con sẽ bị lạnh nên mặc rất nhiều quần áo cho trẻ. Điều này hoàn toàn không đúng, mà bố mẹ chỉ nên mặc vừa đủ ấm cho con. Và mẹ nên chọn quần áo có chất liệu mềm, khô thoáng để trẻ dễ chịu, thoải mái hơn.
- Cách bế áp tay lên đầu: Bế áp tay lên đầu trẻ sẽ khiến vùng da đầu nơi tay áp vào nóng hơn. Do đó, mồ hôi tiết ra nhiều hơn để làm giảm nhiệt tại vùng da đầu đang nóng.
- Nằm 1 tư thế trên gối quá lâu: Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ nên chú ý đổi tư thế nằm của trẻ thường xuyên. Nếu không vùng da đầu tiếp xúc với gối quá lâu sẽ bị nóng và đổ mồ hôi nhiều.
2. Các biến chứng khi bé đổ mồ hôi nhiều ở đầu
Đổ mồ hôi nhiều ở trẻ nhỏ là hiện tượng khá phổ biến. Tuy nhiên tình trạng này nếu không chú ý sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Đặc biệt, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ.
- Viêm đường hô hấp: Khi mồ hôi thoát ra nhiều có nghĩa là lỗ chân lông cũng đang bị hở. Điều này khiến cho trẻ dễ bị nhiễm lạnh, bị vi khuẩn, virus xâm nhập. Do đó, gây nên bệnh viêm đường hô hấp. Ngoài ra, khi mồ hôi bị thoát ra ngoài mà không lau khô sẽ thẩm thấu trở lại khiến cơ thể bị lạnh dẫn tới viêm đường hô hấp.
- Mất nước, muối: Đổ mồ hôi khiến cơ thể bị mất đi một lượng nước đáng kể. Đi kèm với đó là lượng muối thoát ra ngoài cùng với nước. Như vậy, sẽ khiến cho cơ thể bị mất nước và muối.
- Thiếu Canxi: Một trong những nguyên nhân gây ra mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ là thiếu Canxi. Mà tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho cơ thể trẻ bị thiếu hụt Canxi ngày càng nhiều. Do mồ hôi thoát ra mà trong mồ hôi có kèm theo Canxi thoát ra ngoài. Chính vì vậy bố mẹ không nên để tình trạng đổ mồ hôi trộm diễn ra trong thời gian dài.
3. Cách chữa mồ hôi đầu ở trẻ
3.1. Bổ sung dinh dưỡng cần thiết
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe và phát triển của trẻ nhỏ.
Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển ổn định. Ngược lại nếu chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thì sức khỏe sẽ bị suy yếu. Trẻ gặp phải nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe – ví dụ, ra mồ hôi trộm nhiều ở đầu.
Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng cần thiết thì việc bổ sung vào thực đơn hàng ngày của trẻ những món ăn như: Cháo thục địa, cháo trai, nước đậu đen, cháo nếp cẩm… sẽ giúp cải thiện tình trạng đổ mồ hôi trộm đáng kể.
3.1.1. Cháo thục địa
Cháo thục địa: Bổ thận âm, bổ can huyết, trị đổ mồ hôi trộm, di tinh, kinh nguyệt không đều.
- Nguyên liệu: 50g gạo tẻ, 30g thục địa.
- Cách thực hiện: Gạo vo sạch cho vào nồi đổ nước vừa đủ nấu cháo. Thục địa đập vụn gói trong túi vải, cho vào nồi, đổ nước ngâm một lúc. Sau đó, đun sôi rồi đun nhỏ lửa, bỏ túi vải bọc bên ngoài rồi cho vào cùng nấu cháo.
- Cách dùng: Mỗi ngày ăn 1 bát vào buổi sáng lúc đói, mỗi đợt 10 ngày.
3.1.2. Nước đậu đen
- Nguyên liệu: Đậu đen (số lượng tùy nhu cầu sử dụng)
- Cách thực hiện: Đậu đen rửa sạch, phơi khô sau đó cho vào chảo rang đến khi ngửi thấy mùi thơm, thử thấy đậu đã chín thì tắt bếp. Để nguội rồi cho vào lọ thủy tinh, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
- Cách dùng: Mỗi lần dùng thì cho 1-2 thìa đậu đen ngâm vào nước sôi, hãm như hãm trà. Và dùng nước uống thay nước lọc hàng ngày.
3.1.3. Cháo nếp cẩm
- Nguyên liệu: 1 nắm nếp cẩm nguyên cám, 1 nắm gạo tẻ, hạt sen 30g và một ít đường phèn.
- Cách thực hiện: Nếp cẩm ngâm qua đêm, sau đó vớt ra cho ráo nước. Gạo tẻ vo sạch và để ráo nước. Sau đó đun một nồi nước đến khi nước sôi thì cho gạo nếp cẩm và gạo tẻ vào nồi, ninh đến khi thành cháo. Đối với hạt sen thì rửa sạch và cho vào nồi khi hạt gạo nở được khoảng 1/2 để hạt sen có thể mềm khi món cháo hoàn thành. Về phần đường phèn, mẹ thêm 1 viên nhỏ đường phèn vào cháo trước khi cho bé ăn.
Tham khảo thêm: Mồ hôi trộm nên ăn gì? 13 món ăn hàng đầu cho trẻ đổ mồ hôi trộm
3.2. Giữ cơ thể bé luôn mát mẻ
Giữ cơ thể của bé luôn mát mẻ sẽ giúp hạn chế được lượng mồ hôi tiết ra trên cơ thể của bé. Nhờ đó, tình trạng đổ mồ hôi trộm của bé sẽ được cải thiện.
3.3. Dọn dẹp phòng ngủ
Dọn dẹp phòng ngủ để phòng ngủ thoáng mát sẽ giúp không khí được lưu thông hơn. Nhờ vậy, thân nhiệt của bé cũng sẽ mát hơn, không còn bị nóng trong nữa. Vì thế, tình trạng đổ mồ hôi trộm sẽ được cải thiện hơn.
3.4. Tắm nắng
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ là do thiếu Vitamin D.
Cách tốt nhất tổng hợp Vitamin D tốt nhất cho cơ thể trẻ là tổng hợp thông qua ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy tắm nắng vào buổi sáng trong khoảng thời gian từ 8 – 9 giờ sáng (tùy mùa) sẽ giúp biến tiền Vitamin D thành Vitamin D. Nhờ đó bổ sung lượng Vitamin D đang thiếu hụt, tình trạng đổ mồ hôi trộm của trẻ cũng nhờ đấy mà được đẩy lùi.
3.5. Cách trị mồ hôi trộm bằng lá lốt
Dựa trên đặc tính lọc và đào thải chất độc rất tốt của lá lốt mà cha ông đã truyền lại. Chúng ta có thể sử dụng lá lốt theo nhiều cách để điều trị chứng ra mồ hôi trộm.
- Cách làm: Có thể nấu nước lá lốt với muối để ngâm chân, có thể nấu nước lá lốt để nguội uống hàng ngày thay nước hoặc dùng lá lốt chế biến món ăn hàng ngày đều mang lại hiệu quả.
- Sử dụng: Nếu là ăn hoặc uống trực tiếp thì mỗi ngày 50g lá lốt là vừa đủ để cơ thể hấp thụ. Nếu ngâm chân cần đậm đặc hơn để tinh chất lá lốt ngấm sâu hơn vào cơ thể.
3.6. Chữa mồ hôi trộm đầu bằng gối lá đinh lăng
Chữa mồ hôi trộm đầu bằng gối lá đinh lăng là một trong những cách chữa mồ hôi trộm theo cách dân gian vô cùng hiệu quả. Phương pháp này dựa trên nguyên tắc thẩm thấu, bằng cách trộn lá đinh lăng với bông gòn làm gối, các tinh chất của đinh lăng ngấm dần vào cơ thể sau quá trình sử dụng lâu dài.
- Cách làm: Để làm gối đinh lăng, đầu tiên cần rửa sạch và phơi khô lá đinh lăng. Thời gian phơi để lá tốt nhất là tầm 2-3 ngày. Sau khi lá đinh lăng đã khô thì cho vào rang giòn, cần chú ý nhẹ nhàng để giảm gãy vụn tối đa. Sau khi rang giòn thì trộn với bông gòn theo tỷ lệ 1:1 để làm ruột gối.
- Sử dụng: Cách này có thể sử dụng trong khoảng 8 tháng đến 1 năm sẽ giải quyết dứt điểm chứng ra mồ hôi trộm và ngoài ra còn giúp bé ngủ ngon và ngủ sâu giấc hơn. Lưu ý trong quá trình sử dụng cần thường xuyên phơi nắng tránh ẩm mốc.
4. Khi nào chứng đổ mồ hôi trộm ở đầu cần điều trị?
Đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hiện tượng khá phổ biến. Trong một số trường hợp đến từ các nguyên nhân khách quan như do thời tiết, do không gian sinh hoạt bí bách, do mặc quá nhiều áo hay do tư thế nằm ngủ thì đổ mồ hôi trộm ở đầu không quá đáng ngại.
Tuy nhiên nếu nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm ở đầu đến từ các yếu tố bệnh lý nào đó hoặc kèm theo các triệu chứng khác như da dẻ nhợt nhạt, trẻ biếng ăn, ngủ không ngon… thì bố mẹ cần đưa con đi khám ngay để kịp thời xử lý. Tránh trường hợp để tình trạng này kéo dài có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Đọc thêm: Những bài thuốc trị mồ hôi trộm cho bé tốt nhất (Từ Dân Gian)
Như vậy, khi bé ra mồ hôi trộm nhiều ở đầu bố mẹ cần hết sức chú ý để có biện pháp khắc phục kịp thời. Giúp cải thiện tình trạng sớm để ổn định sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ.
“Với 9 năm kinh nghiệm là chuyên gia tư vấn hàng đầu về Y dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, tôi không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đem lại những thông tin hữu ích cho người bệnh.”
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.