Ra mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi là hiện tượng khá phổ biến và không gây hại cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên một số trường hợp trẻ bị ra mồ hôi trộm nhiều, trong thời gian dài, kèm theo một số biểu hiện như: Mất ngủ, quấy khóc, biếng ăn, tinh thần sa sút…thì rất có thể bé đã mắc phải một trong những chứng bệnh nguy hiểm. Bố mẹ cần phải lưu ý thật kỹ để có những biện pháp xử lý kịp thời.
1. Đặc điểm ra mồ hôi ở trẻ sơ sinh
Mồ hôi ở trẻ sơ sinh được chia làm 2 loại là mồ hôi bình thường và mồ hôi trộm. Dưới đây là cách phân biệt từng loại:
1.1. Đổ mồ hôi bình thường
Mồ hôi bình thường hay còn gọi là mồ hôi sinh lý. Đây là loại mồ hôi bé tiết ra để điều hòa nhiệt độ cơ thể khi bị nóng do vận động hoặc thời tiết. Các vị trí thường tiết ra nhiều mồ hôi nhất là đầu và cổ. Vì đây là nơi tập trung nhiều tuyến mồ hôi trong cơ thể.
Mồ hôi bình thường cũng tiết ra khi bé ngủ khoảng 30 phút. Nguyên nhân là trẻ không được thoải mái, thoáng mát khi nằm ngủ. Do trẻ mặc quá nhiều quần áo, được đắp chăn quá nhiều hoặc phòng quá bí khí. Sau khi bé ngủ khoảng 30 phút, các tuyến mồ hôi bắt đầu hoạt động, cả quá trình tiết mồ hôi chỉ kéo dài trong khoảng 60 phút. Hết thời gian này cơ thể bé sẽ trở về trạng thái bình thường và ngừng tiết mồ hôi.
Nhìn chung việc đổ mồ hôi là triệu chứng sinh lý bình thường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nên bố mẹ không cần quá lo lắng.
1.2. Đổ mồ hôi trộm
Mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ bị tiết ra rất nhiều mồ hôi ngay cả trong trạng thái tĩnh và thời tiết lạnh. Do mồ hôi thường tiết ra vào ban đêm khi bé ngủ nên dân gian thường gọi là “mồ hôi trộm”.
Mồ hôi trộm thường ra nhiều ở đầu, cổ, gáy, lưng, lòng bàn chân bàn tay. Mồ hôi đổ nhiều hơn sau 2 giờ ngủ. Trẻ đổ mồ hôi thường đi kèm với các biểu hiện giật mình, quấy khóc, tứ chi lạnh sau thức dậy…Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, tinh thần sa sút, rối loạn tiêu hóa, còi xương, suy dinh dưỡng, cơ thể chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ.
2. Tại sao trẻ 2 tháng ra mồ hôi trộm?
Trẻ bị ra mồ hôi trộm do rất nhiều nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
2.1. Hệ thần kinh thực vật chưa hoàn thiện
Mồ hôi được tiết ra bởi tuyến mồ hôi, tập trung nhiều dưới da và được điều hòa bởi hệ thần kinh phó giao cảm. Hệ thần kinh phó giao cảm có tác dụng điều hòa thân nhiệt, cân bằng nhiệt độ cho cơ thể. Ở trẻ nhỏ, hệ thần kinh phó giao cảm chưa hoàn thiện. Vì thế, khi nhiệt độ ngoài trời hơi tăng lên một chút trẻ đã đổ mồ hôi. Vị trí ra nhiều mồ hôi nhất là ở đầu, gáy và lưng.
2.2. Môi trường thời tiết
Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi có thể đổ mồ hôi trộm do không khí quá nóng. Nhiệt độ ngoài trời quá cao sẽ khiến cho bé tiết ra nhiều mồ hôi hơn để giảm nhiệt. Mặt khác một số trường hợp phụ huynh có tâm lý lo con bị lạnh nên thường mặc cho bé nhiều áo, đắp nhiều chăn và để phòng kín khi bé ngủ. Điều này càng làm trẻ bị bức bối khó chịu và ra nhiều mồ hôi hơn.
2.3. Thiếu Vitamin D
Phần lớn tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh là do thiếu vitamin D. Vitamin D là chất giúp tổng hợp canxi và phốt pho vào cơ thể thông qua tiêu hóa. Thiếu vitamin D trẻ dễ bị còi xương, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, mất ngủ, đổ mồ hôi trộm nhiều ở vùng trán và sau gáy trong lúc ngủ, ngay cả khi thời tiết lạnh.
2.4. Thiếu Canxi
Thiếu Canxi cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ ra mồ hôi trộm. Với trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi, khi thiếu canxi sẽ có các biểu hiện ra bên ngoài như: Khó ngủ, ngủ không ngon giấc, biếng ăn, chán ăn, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, rụng tóc vành khăn, thóp liền chậm… Nếu kéo dài có thể làm trẻ chậm lớn, biết đi muộn và hay bị biến dạng xương khớp.
2.5. Trẻ sinh non
Sinh non là hiện tượng bé chào đời quá sớm. Vì chưa đủ tháng đã chào đời nên bé có khả năng phải đối mặt với nhiều rủi ro như: nhẹ cân, khó thở, hô hấp khó khăn, không tự điều hòa được thân nhiệt, cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện trẻ dễ bị nhiễm trùng hoặc đe dọa đến tính mạng. Sinh non cũng khiến cho trẻ bị thiếu Vitamin D nên trong những năm tháng đầu đời trẻ thường bị gầy gò, còi xương và dễ đổ mồ hôi trộm.
2.6. Âm hư, thận yếu
Ở trẻ nhỏ chức năng của thận chưa hoàn thiện. Theo Y học cổ truyền, âm dương trong cơ thể con người cân bằng. Nhưng ở trẻ nhỏ phần âm bị thiếu hụt hay còn gọi là thận âm hư. Thận âm hư là nguyên nhân khiến trẻ bị nóng trong, miệng khô khát, háo nước, cơ thể mệt mỏi suy nhược, lòng bàn tay bàn chân nóng và đổ mồ hôi trộm.
2.7. Chứng tăng tiết mồ hôi
Một số trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi nhiều là do chứng tăng tiết mồ hôi. Tiết mồ hôi là cách để cơ thể tự cân bằng nhiệt độ, nhưng ngay cả khi không hoạt động và không khí thoáng mát mà bé vẫn ra mồ hôi nhất là lòng bàn tay, bàn chân lúc nào cũng dính ướt thì rất có thể bé đang mắc phải hội chứng này.
2.8. Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Hội chứng này xảy ra khi bé ngủ trong phòng có không khí ngột ngạt, nóng bức hoặc được đắp quá nhiều chăn. Dấu hiệu nhận biết hội chứng này là bé bắt đầu rơi vào trạng thái ngủ sâu, li bì, đổ mồ hôi trộm và khó có thể thức dậy.
3. Cách trị chứng mồ hôi trộm cho trẻ 2 tháng tuổi
3.1. Điều trị theo nguyên nhân đổ mồ hôi trộm
Để hạn chế tình trạng ra mồ hôi trộm ở trẻ 2 tháng tuổi, bố mẹ có thể thực hiện theo các cách sau đây:
3.1.1. Bổ sung Vitamin D và Canxi
Bố mẹ có thể bổ sung Vitamin D và Canxi còn thiếu cho bé thông qua đường uống.
Hiện nay trên thị trường có bán nhiều loại Vitamin D và Canxi dưới dạng lỏng. Tuy nhiên ở mỗi độ tuổi khác nhau thì liều lượng dùng sẽ khác nhau. Vì vậy trước khi cho bé uống bố mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để xác định được liều lượng phù hợp.
Thông thường với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì lượng Canxi cần bổ sung 1 ngày là 300mg/ngày, còn lượng Vitamin D là 400 đơn vị/ngày.
Bố mẹ lưu ý vì Vitamin D quyết định đến việc tổng hợp Canxi và phốt-pho trong cơ thể bé thông qua đường tiêu hóa nên cần phải bổ sung Vitamin D và Canxi đồng thời.
Riêng với Vitamin D, ngoài cách bổ sung bằng đường uống thông thường, bố mẹ cũng có thể để bé tự tổng hợp bằng cách tắm nắng cho trẻ. Mỗi ngày bố mẹ cho bé tắm nắng từ 5 – 10 phút trong khoảng thời gian từ 6-7h.
Đây là khoảng thời gian trong ánh nắng mặt trời có nhiều tia xạ tốt, Vitamin D dễ tổng hợp và hấp thụ qua da. Không nên tắm nắng cho trẻ quá lâu vì tia UV trong ánh nắng mặt trời sẽ làm hại da bé.
3.1.2. Giữ cho trẻ luôn thoải mái, thoáng mát
Ở trẻ nhỏ thân nhiệt thường cao hơn so với người lớn vì vậy bố mẹ không cần phải mặc quần áo cho bé quá nhiều, khi ngủ cũng không cần đắp quá nhiều chăn và phải điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp.
Bố mẹ nên lựa chọn quần áo bằng vải cotton mềm mịn để dễ thấm mồ hôi cho trẻ, đồng thời khi thấy trẻ ra mồ hôi nhiều nên lấy khăn bông khô lau sạch, tránh để mồ hôi thấm ngược lại vào bên trong gây cảm lạnh, ho, viêm phế quản.
3.1.3. Điều trị chứng thận âm hư
Theo Đông y, để điều trị chứng thận âm hư thì phải dùng các vị thuốc có tính mát, giúp thanh nhiệt, mát máu, tư âm dưỡng huyết như: Thục địa, Thạch hộc, Hoài sơn,… Dưới đây là bài thuốc bổ thận âm bố mẹ có thể tham khảo.
Thành phần:
- Thục địa: 25g
- Thạch hộc: 15g
- Táo chua: 10g
- Tỳ giải: 10g
- Hoài sơn: 15g
- Củ súng: 20g
Cách dùng: Thông thường bố mẹ có thể sắc thành nước thuốc và cho bé uống.
3.1.4. Cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ
Ở trẻ 2 tháng tuổi nguồn dinh dưỡng chủ yếu nạp vào cơ thể bé là thông qua sữa mẹ. Trong sữa mẹ có chứa nước và rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là Canxi giúp hạn chế tình trạng ra mồ hôi trộm.
Chính vì vậy mà các chuyên gia khuyên các bà mẹ cho con bú trong suốt 6 tháng đầu đời. Ngoài ra để nâng cao chất lượng sữa, các bà mẹ cũng nên ăn uống đủ chất và nghỉ ngơi hợp lý.
3.1.5. Điều trị chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật
Bé dưới 6 tuổi bị rối loạn hệ thần kinh thực vật dẫn đến đổ mồ hôi trộm chủ yếu là do sinh lý (việc xây dựng hệ thần kinh thực vật chậm) nên bố mẹ không cần phải quá lo lắng, khi bé trưởng thành sẽ tự động khỏi.
Một vài trường hợp trẻ bị rối loạn hệ thần kinh thực vật nặng theo hướng có biểu hiện nhịp tim tăng, mặt đỏ bừng thì bố mẹ nên đưa bé đi khám để các bác sĩ kê thuốc điều trị.
3.1.6. Điều trị chứng tăng tiết mồ hôi
Chứng tăng tiết mồ hôi có thể điều trị bằng phương pháp cắt hạch giao cảm. Tuy nhiên đây không phải là phương pháp dành cho trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi. Chính vì vậy, trong trường hợp này bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
3.2. Cách chữa mồ hôi trộm theo cách dân gian
Chứng đổ mồ hôi trộm ở trẻ có thể được khắc phục bằng lá đinh lăng, lá lốt và lá dâu theo kinh nghiệm dân gian.
3.2.1. Chữa mồ hôi trộm bằng lá đinh lăng
Theo kinh nghiệm dân gian, lá đinh lăng dùng làm gối đầu sẽ giúp trẻ có giấc ngủ ngon và hạn chế được tình trạng ra mồ hôi trộm. Cách làm gối lá đinh lăng cũng tương đối đơn giản:
- Nguyên liệu chuẩn bị: Lá đinh lăng tươi, vỏ gối cotton, kim chỉ, bông gòn.
- Cách làm: Lá đinh lăng đem rửa sạch phơi khô rồi sao vàng hạ thổ để hút hết các độ ẩm cần thiết, tránh cho gối không bị mốc lá trong quá trình sử dụng. Công đoạn này cũng giúp tạo ra mùi hương đặc trưng cho gối đinh lăng – một mùi hương đưa bé vào giấc ngủ sâu. Trộn lá đinh lăng với bông polyester theo tỉ lệ 1:1 rồi nhét vào vỏ gối.
Lưu ý: Một gối lá đinh lăng có thể sử dụng được từ 8 tháng đến 1 năm. Sau thời gian này bố mẹ nên làm cho bé một chiếc gối mới. Trong quá trình sử dụng, bố mẹ cũng nên mang gối ra phơi nắng kết hợp với giặt vỏ gối để ngăn ngừa nấm mốc và hạn chế vi khuẩn gây bệnh.
3.2.2. Chữa mồ hôi trộm bằng lá lốt
Lá lốt có tính ấm, vị nồng, hơi cay. Ngoài được dùng làm gia vị trong chế biến các món ăn hàng ngày, lá lốt còn có tác dụng rất tốt trong việc điều trị mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh. Với trẻ 2 tháng tuổi bố mẹ nên dùng lá lốt đun lấy nước để lau tay và chân cho bé.
- Nguyên liệu chuẩn bị: 30g lá lốt tươi, 1 muỗng cà phê muối.
- Cách thực hiện: Lá lốt đem rửa sạch, cho vào nồi đun sôi với nước. Khi nước sôi thì thêm một chút muối vào để sát khuẩn. Tiếp đó bố mẹ pha ấm nước lá lốt, dùng khăn mặt bông lau tay và chân cho bé.
3.2.3. Chữa mồ hôi trộm bằng lá dâu
Lá dâu hay còn gọi là tang diệp có tên khoa học là Folium Mori. Theo Đông y, lá dâu không mùi, vị nhạt, ngọt đắng, tính mát vào hai kinh can, phế. Bố mẹ dùng lá dâu tắm cho bé sẽ cho hiệu quả trị mồ hôi trộm rất tốt.
- Nguyên liệu chuẩn bị: 100g lá dâu.
- Cách làm: Lá dâu đem rửa sạch, bỏ vào nồi nước đun sôi. Sau khi nước sôi bắc ra rồi pha loãng với nước rồi tắm cho bé. Nước lá dâu tằm rất lành tính nên bố mẹ có thể tắm cho bé thường xuyên hàng ngày.
Hiện tượng trẻ 2 tháng ra mồ hôi trộm do sinh lý gây ra thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu đổ mồ hôi trộm do bệnh lý thì bố mẹ nên tìm hiểu kỹ các nguyên nhân để từ đó có các biện pháp xử lý kịp thời, đúng đắn.
“Với 9 năm kinh nghiệm là chuyên gia tư vấn hàng đầu về Y dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, tôi không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đem lại những thông tin hữu ích cho người bệnh.”
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.