Ra mồ hôi trộm ban đêm ngoài giúp cơ thể giảm nhiệt độ khi bị nóng thì còn là dấu hiệu cảnh báo một số loại bệnh nguy hiểm như: Suy tim, âm hư, ung thư, rối loạn nội tiết tố,… Vậy nguyên nhân ra mồ hôi trộm là gì và làm cách nào để hạn chế được tình trạng này? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây!
1. Ra mồ hôi trộm ban đêm có sao không?
Mồ hôi trộm là tình trạng cơ thể bị tiết ra mồ hôi trong trạng thái hoàn toàn tĩnh và thời tiết lạnh.
1.1. Với trẻ sơ sinh
- Đổ mồ hôi trộm vào ban đêm là tình trạng tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ dưới 1 năm tuổi. Trẻ nhỏ thường hay bị đổ mồ hôi ở giai đoạn ngủ sâu và có khả năng đổ mồ hôi trộm cao hơn người lớn.
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị đổ mồ hôi trộm chính là trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình thức giấc nửa đêm, đầu, lưng, trán, nách, bàn tay bàn chân ướt.
- Ra mồ hôi trộm là cách để trẻ tự cân bằng nhiệt độ cơ thể mình một cách tự nhiên. Vì vậy bố mẹ cũng không cần phải quá lo lắng. Chỉ khi thấy bé ra mồ hôi kèm theo một vài biểu hiện bất thường như sốt, biếng ăn, tinh thần sa sút…bố mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
1.2. Với người lớn
- Hầu hết ai trong chúng ta cũng từng trải qua tình trạng đổ mồ hôi trộm vào ban đêm. Khi thức dậy người và ga giường thường ướt đẫm mồ hôi. Đây là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể để hạ nhiệt độ khi bạn bị nóng do đắp chăn quá dày hoặc mặc quá nhiều quần áo khi ngủ.
- Đôi khi đổ mồ hôi trộm vào ban đêm cũng có thể là do bạn bị sốt, nhiễm trùng, bị nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nội tiết tố…Chính vì vậy nếu sau khi tỉnh dậy, bạn vẫn tiếp tục đổ mồ hôi hoặc cảm thấy cơ thể mệt mỏi, khó chịu thì bạn cũng nên đến các cơ sở y tế để khám phát hiện ra bệnh và điều trị sớm.
2. Đâu là nguyên nhân gây ra mồ hôi trộm ban đêm?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn ra mồ hôi trộm vào ban đêm. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến.
2.1. Nguyên nhân chung
- Sinh lý: Đây là loại mồ hôi bình thường được cơ thể tiết ra khi bị nóng. Các tác nhân gây ra nóng có thể là nhiệt độ phòng cao, đồ ngủ quá dày, đắp chăn quá nhiều khi ngủ hoặc phòng ngủ bị bí khí. Ở trẻ em mồ hôi này thường xuất hiện khi bé. Theo các bác sĩ mồ hôi này không đáng lo ngại vì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
- Bệnh lý: Ra mồ hôi là dấu hiệu ban đầu của một số chứng bệnh nguy hiểm như: suy tim, âm hư thận yếu, hội chứng tăng tiết mồ hôi, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh,…Mồ hôi do bệnh lý thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh vì vậy cần phải tiến hành quan sát tìm ra nguyên nhân và có các biện pháp xử lý kịp thời.
2.2. Nguyên nhân đổ mồ hôi khi ngủ ở trẻ em
Đổ mồ hôi khi ngủ ở trẻ em có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:
2.2.1. Hệ thần kinh thực vật của trẻ chưa hoàn thiện
Hệ thần kinh thực vật bao gồm hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Ở trẻ nhỏ do hệ thần kinh thực vật chưa hoàn thiện dẫn đến sự mất cân bằng của của hệ giao cảm và phó giao cảm. Chỉ một chút kích thích nhỏ như tăng nhiệt độ hoặc stress cũng khiến hệ giao cảm hoạt động mạnh kích thích tuyến mồ hôi tăng tiết quá mức.
2.2.2. Thiếu Vitamin D
Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ra mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Thiếu vitamin D thường gặp ở trẻ bị sinh non, trẻ bị nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa, còi xương…Bố mẹ có thể nhận biết dấu hiệu trẻ bị thiếu Vitamin D thông qua các biểu hiện như thường xuyên đổ mồ hôi ở vùng trán và gáy ngay cả khi thời tiết đang lạnh và khi bé ngủ.
2.2.3. Thiếu Canxi
Canxi là chất giúp ổn định hệ thần kinh và sự phát triển xương khớp của trẻ. Thiếu Canxi trẻ dễ bị mắc chứng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, khi ngủ giật mình, quấy khóc, nhận thức chậm, cơ yếu và hay đổ mồ hôi trộm.
2.2.4. Âm hư, thận yếu
Ở trẻ nhỏ chức năng của thận chưa hoàn thiện. Theo Y học cổ truyền, âm dương trong cơ thể con người cân bằng, nhưng ở trẻ nhỏ phần âm bị thiếu hụt hay còn gọi là thận âm hư.
Thận âm hư là nguyên nhân khiến trẻ bị nóng trong, miệng khô khát, háo nước, cơ thể mệt mỏi suy nhược, lòng bàn tay bàn chân nóng và đổ mồ hôi trộm.
2.2.5. Hội chứng cường giáp
Đồ mồ hôi nhiều và nhạy cảm với nhiệt là một trong những triệu chứng của tuyến cường giáp.
Chức năng của tuyến cường giáp là kiểm soát sự trao đổi chất của cơ thể thông qua các hooc môn. Khi quá nhiều hooc môn ở tuyến giáp được sản sinh ra sẽ kích thích các tuyến mồ hôi hoạt động dẫn đến tình trạng ra đổ mồ hôi.
Chứng cường giáp cũng đi kèm một số biểu hiện như giảm cân, tim đập nhanh.
2.3. Nguyên nhân đổ mồ hôi trộm ở người lớn
Với người lớn ra mồ hôi trộm có thể bắt nguồn từ việc bạn ăn quá no gần lúc ngủ, tập thể dục sát giờ ngủ, bị bệnh hoặc dùng các loại thuốc chữa bệnh gây tác dụng phụ,…
2.3.1. Thuốc chống trầm cảm
Việc sử dụng một số loại thuốc trầm cảm cũng khiến cơ thể bị đổ mồ hôi. Theo nghiên cứu có khoảng 8 – 22 % người sử dụng thuốc trầm cảm sẽ gây ra hiện tượng này. Nguyên nhân là do các loại thuốc trầm cảm ngoài công dụng chữa bệnh thì còn gây ra tác dụng phụ là làm thay đổi nồng độ dẫn truyền thần kinh não, làm cho hoạt động điều khiển thân nhiệt của não bộ bị ảnh hưởng.
Ngoài thuốc chống trầm cảm thì một số loại thuốc như aspirin, acetaminophen, các thuốc có thành phần giảm đau cũng gây đổ mồ hôi đêm cho người sử dụng.
2.3.2. Thuốc hạ huyết áp
Đối với người bị cao huyết áp, việc dùng thuốc hạ huyết áp là phương pháp điều trị bắt buộc. Tuy nhiên loại thuốc này thường đi kèm một số tác dụng phụ như đau đầu, đau ngực, sưng huyết mũi, tim đập nhanh, đỏ bừng mặt và đổ mồ hôi.
2.3.3. Uống rượu
Rượu là một chất hóa học có khả năng gây giãn mạch. Khi các mao mạch giãn nở sẽ làm cho lượng máu lưu thông nhiều hơn khiến bề mặt da bị nóng và kích thích các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh mẽ để bài tiết mồ hôi ra bên ngoài.
2.3.4. Hạ đường huyết
Lượng đường trong cơ thể ổn định ở mức 70mg/dl. Lượng đường này ổn định vào lúc bình thường nhưng có thể giảm khi bạn ngủ. Khi lượng đường huyết trong cơ thể thấp có thể gây ra các biểu hiện như chóng mặt, bủn rủn chân tay và đổ mồ hôi.
2.3.5. Ăn quá gần giờ đi ngủ
Khi bạn ăn quá sát giờ đi ngủ, lượng thức ăn được dung nạp vào vẫn chưa kịp tiêu hóa sẽ khiến cho bạn dễ bị chướng bụng, tức bụng và khó ngủ. Đồng thời khi hệ tiêu hóa phải hoạt động trong lúc bạn đang ngủ sẽ khiến cơ thể sản sinh ra nhiệt, bạn sẽ có khuynh hướng nóng hơn và tiết ra nhiều mồ hôi để làm mát.
2.3.6. Tập thể dục quá gần giờ ngủ
Tập thể dục làm tăng nhiệt độ và nhịp tim của cơ thể khiến cơ thể tiết ra nhiều epinephrine. Epinephrine là chất kích thích hệ thần kinh giao cảm. Khi hệ thần kinh giao cảm bị kích thích sẽ làm bạn khó đi vào giấc ngủ và đồng thời ra nhiều mồ hôi.
2.3.7. Rối loạn hooc – môn
- Đối với đàn ông: Đổ mồ hôi trộm vào ban đêm ngay cả khi thời tiết không quá nóng có thể lượng testosterone đang bị thấp. Khi lượng testosterone trong cơ thể thấp, khu vực dưới đồi (hypothalamus) của não bộ sẽ nhận các tín hiệu giả rằng cơ thể quá nóng, dẫn đến hiện tượng tiết mồ hôi để làm mát cơ thể.
- Đối với phụ nữ: Đổ mồ hôi đêm là dấu hiệu của hội chứng tiền mãn kinh. Phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh nồng độ estrogen bị suy giảm dẫn đến tình trạng xuất hiện các cơn nóng bừng (bốc hỏa) vào ban đêm khi ngủ và gây ra đổ mồ hôi trộm.
2.3.8. Rối loạn nội tiết tố
Hiện tượng nóng bừng mặt hoặc đổ mồ hôi trộm có thể xuất hiện khi bạn bị rối loạn hooc môn, bao gồm ung thư nang thượng thận và hội chứng carcinoid – một loại khối u của tuyến nội tiết thần kinh và cường giáp trạng.
2.3.9. Ung thư
Đổ mồ hôi đêm là dấu hiệu sớm nhận biết một số loại bệnh ung thư như ung thư máu. Ung thư máu thể lymphoma là một loại ung thư bạch cầu ác tính. Đây là một trong những dạng ung thư máu khó chữa trị nhất với triệu chứng điển hình là sốt, sưng hạch, sút cân và ra mồ hôi nhiều vào ban đêm.
3. Phải làm gì khi ra mồ hôi trộm ban đêm?
Khi phát hiện ra cơ thể bị đổ mồ hôi trộm vào ban đêm trước tiên bạn nên lau khô mồ hôi bằng khăn bông khô và thay một bộ quần áo mới. Việc lau khô mồ hôi sẽ giúp bạn tránh được hiện tượng thấm ngược mồ hôi vào bên trong gây cảm lạnh, ho hoặc viêm phế quản.
Sau đó bạn nên uống một chút nước để bổ sung vào lượng mồ hôi đã mất đi (trong thành phần của mồ hôi 95% là nước).
Đồng thời bạn cũng nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình bị ra mồ hôi trộm để điều trị cho phù hợp.
4. Cách giúp ban đêm không còn bị đổ mồ hôi trộm
4.1. Giữ cho cơ thể luôn mát mẻ
Giữ cho cơ thể luôn mát mẻ là cách để bạn có thể hạn chế được tình trạng ra mồ hôi trộm đo điều kiện môi trường quá nóng. Dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo:
- Mặc quần áo vừa đủ, không mặc quá nhiều.
- Nên chọn quần áo bằng vải cotton để thấm hút mồ hôi tốt.
- Khi ngủ không nên đắp quá nhiều chăn.
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức phù hợp, đảm bảo cho phòng ngủ luôn mát mẻ, thông thoáng khí.
- Khi phát hiện ra mồ hôi cần dùng khăn bông lau khô người và thay lại quần áo mới.
4.2. Bổ sung đủ chất dinh dưỡng
- Bổ sung chất dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là một trong những cách giúp bạn hạn chế được tình trạng ra mồ hôi trộm. Thực đơn của bạn nên có đủ các chất cần thiết như bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt nên bổ sung các loại thực phẩm có tính mát như rau xanh, hoa quả, hạn chế ăn thức ăn cay nóng vì sẽ khiến cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, thậm chí là nổi mụn hoặc mẩn ngứa.
- Bổ sung nước: Cần phải bổ sung nước thường xuyên và mỗi ngày để bù đi lượng nước có trong mồ hôi đã bị thoát ra bên ngoài. Lượng nước phù thuộc vào cân nặng và nhu cầu của cơ thể. Thông thường với người lớn là 2 lít/ngày. Trẻ em dưới 3 tuổi khoảng 300ml – 1,2 lít/ngày.
4.3. Người ra mồ hôi trộm ban đêm nên ăn gì?
Theo Đông y, người bị ra mồ hôi trộm là do chứng âm hư vì vậy bạn ăn những món ăn có tính mát thanh nhiệt giải độc, giúp bồi bổ thận sẽ giảm được tình trạng này. Dưới đây là một số món ăn bạn có thể tham khảo.
4.3.1. Cháo thục địa
- Nguyên liệu: 20g thục địa, 100g gạo tẻ, 60g mật mía, 60g bơ.
- Cách làm:
- Thục địa thái lát cho cùng gạo vào nồi nấu thành cháo.
- Mật mía và bơ cho vào chảo đảo đều cho tan.
- Đổ mật mía và bơ vào cháo khuấy đều và đun lại cho sôi.
- Cách dùng: Ăn ngày 1 lần lúc đói để có hiệu quả trị bệnh tốt nhất.
4.3.2. Cháo gốc hẹ
- Nguyên liệu: Gốc hẹ 30g, gạo nếp 50g, gạo tẻ 50g, thịt lợn nạc 50g, gia vị.
- Cách làm:
- Gốc hẹ đem rửa sạch, giã nhỏ lọc lấy 200ml nước.
- Thịt lợn nạc băm nhỏ, tẩm ướp gia vị, xào chín.
- Gạo đem vo rồi cho vào nồi chứa nước gốc hẹ rồi ninh nhừ.
- Khi cháo chín cho thịt lợn vào đảo đều đun sôi một lần nữa
- Cách dùng: Ăn ngày một lần, trong 2 -3 ngày liên tiếp để có hiệu quả. Với trẻ chưa ăn được thì bố mẹ có thể lọc lấy nước uống hoặc mẹ ăn và cho bé bú.
4.3.3. Cháo cá quả
- Nguyên liệu: 200g cá quả, 50g gạo, gia vị.
- Cách làm:
- Cá quả đem hấp cách thủy, gỡ lấy thịt nạc, tẩm ướp gia vị.
- Xương cá giã nhỏ lọc lấy nước ngọt.
- Gạo đem vo cho vào nước xương ninh nhừ.
- Khi cháo chín cho thịt cá, gia vị vào đun lại đến khi sôi là được.
- Cách dùng: Ngày ăn 1 lần lúc đói, ăn liền từ 3 – 5 ngày.
Lưu ý: Người lớn có thể dùng gạo nấu cháo trực tiếp. Với những em bé từ 6 tháng – 2 tuổi gạo nên xay thành bột nấu bé ăn sẽ dễ hơn. Với những bé dưới 6 tháng tuổi mẹ nên ăn cháo rồi để con bú.
4.3.4. Cháo trai
- Nguyên liệu: 5 con trai đồng, 30g lá dâu non, 50g gạo nếp, 50g gạo tẻ, dầu ăn, gia vị.
- Cách làm:
- Trai đem luộc chín, nhặt lấy ruột và lọc lấy nước trong.
- Làm sạch ruột trai, thái nhỏ, tẩm ướp gia vị rồi dùng dầu thực vật xào cho thơm.
- Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ.
- Gạo nếp, gạo tẻ vo sạch cho vào nước luộc trai ninh nhừ thành cháo.
- Đun nhỏ lửa cho đến khi cháo chín cho trai, lá dâu non, gia vị vào khuấy đều, đun sôi lại một lần nữa rồi bắc ra.
- Cách dùng: Ngày ăn 2 lần lúc đói, ăn liền trong 4 – 5 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Lưu ý: Trẻ em có thể xay gạo thành bột để bé dễ ăn. Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng mẹ có thể ăn và để bé bú lại.
4.3.5. Nước đậu đen
- Nguyên liệu: 50g đậu đen, 15g long nhãn, 5 quả táo tàu.
- Cách làm:
- Đậu đen đem rang chín
- Cho đậu đen vào nồi cùng long nhãn, táo tàu, thêm 300ml nước đun nhỏ lửa.
- Khi nước cạn còn khoảng 200ml chắt lấy nước uống.
- Cách dùng: Ngày uống 4 lần. Uống liền trong 3 ngày.
4.3.6. Canh rau ngót
- Nguyên liệu: 30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 quả bầu dục lợn
- Cách làm:
- Rau ngót tuốt lấy lá, rửa sạch, bầu đất và quả bầu dục lợn thái thành từng khúc và lát nhỏ.
- Cho bầu dục lợn vào trong nồi nước, đun sôi.
- Khi nước sôi cho rau ngót và bầu đất vào, nêm gia vị vừa ăn.s
- Cách dùng: Ngày ăn 1 lần, nên ăn vào những hôm thời tiết nắng nóng.
4.4. Lưu ý thực phẩm cần tránh
Để giảm tình trạng ra mồ hôi trộm bạn cần hạn chế ăn một số loại thực phẩm có tính cay, nóng như tỏi, hành tây, sử dụng vừa phải các loại đồ uống như caffeine và rượu.
4.4.1. Tỏi
Tỏi có tác dụng kích thích làm tăng nhiệt độ trong cơ thể nên ăn nhiều tỏi hàng ngày sẽ rất dễ gây nóng trong và khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Tỏi cũng không tốt cho thận vì vậy với trẻ em bố mẹ nên hạn chế không nên cho bé ăn nhiều.
4.4.2. Hành tây
Hành tây có mối quan hệ “mật thiết” với tỏi vì nó cũng là một thành viên của gia đình huệ tây. Nó thường được gọi là “vua của các loại rau” vì có hương vị cay nồng. Ăn nhiều hành tây sẽ khiến cơ thể dễ bị nóng, háo nước, ra mồ hôi trộm.
4.4.3. Caffeine
Caffeine có nhiều trong cà phê. Là thức uống ưa chuộng hàng ngày của giới trẻ và giới văn phòng. Bên cạnh việc giúp tâm trạng con người trở nên vui vẻ, tỉnh táo, cải thiện nhận thức, khả năng ghi nhớ, phản xạ thì caffeine cũng có nhiều tác hại gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.
Caffeine giống như một chất lợi tiểu, uống nhiều sẽ khiến bạn đi vệ sinh nhiều hơn, quá trình này sẽ làm mất đi một lượng canxi cho cơ thể gây thiếu hụt gây khó ngủ, ngủ trằn trọc và ra nhiều mồ hôi.
Caffeine kích thích hệ thần kinh trở nên hưng phấn hơn, khi hệ thần kinh hưng phấn các tuyến mồ hôi ở dưới da cũng bị kích thích và tiết ra nhiều mồ hôi hơn.
4.4.4. Thực phẩm cay
Ăn nhiều đồ ăn cay như ớt sẽ làm nhiệt độ cơ thể tăng lên gây nóng trong người và đổ mồ hôi. Đặc biệt ăn cay vào buổi tối sẽ khiến bạn bị mất ngủ, khó ngủ.
4.4.5. Rượu
Uống ít rượu với tốc độ từ từ sẽ không làm toát mồ hôi, nhưng nếu uống nhiều rượu trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị đổ mồ hôi khi ngủ. Rượu không chỉ khiến ra mồ hôi nhiều mà còn khiến cơ thể mất thăng bằng, tim đập nhanh, viêm loét dạ dày và cơ cứng cơ khớp vì vậy cần phải hạn chế sử dụng loại đồ uống này trong sinh hoạt hàng ngày.
4.5. Tắm nắng bổ sung Vitamin D
Tắm nắng chỉ áp dụng cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi bị thiếu Vitamin D.
- Mỗi ngày bố mẹ cho trẻ tắm nắng từ 5 – 10 phút để cơ thể trẻ tự tổng hợp Vitamin D trong ánh nắng mặt trời. Đây là liệu pháp tự nhiên, an toàn không gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
- Thời điểm tắm nắng thích hợp là 6 -7h sáng vì khoảng thời gian này ánh nắng mặt trời chứa nhiều tia có lợi, các loại tia này dễ dàng hấp thụ qua da, từ đó Vitamin D được tổng hợp.
- Bố mẹ lưu ý không nên tắm nắng cho trẻ quá lâu vì các tia cực tím có thể hủy hoại làn da non nớt của bé.
Ra mồ hôi trộm ban đêm nhìn chung không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe của bạn. Tùy thuộc vào nguyên nhân ra mồ hôi mà bạn nên có các phương pháp điều trị phù hợp. Trong trường hợp đã thực hiện một số cách trên nhưng bệnh vẫn không suy giảm thì bạn nên đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám chữa và điều trị kịp thời.
“Với 9 năm kinh nghiệm là chuyên gia tư vấn hàng đầu về Y dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, tôi không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đem lại những thông tin hữu ích cho người bệnh.”
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.