[Hỏi – Đáp] Trẻ bị mồ hôi trộm phải làm sao?

Đăng bởi Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền | Đăng lúc : 24/03/2023 13:49:04

Hỏi: Bé nhà em năm nay 3 tuổi. Gần đây khi ngủ em thấy bé hay bị ra rất nhiều mồ hôi ở trán, cổ và lưng. Thời gian ra mồ hôi rất lâu có hôm kéo dài đến 1 tiếng đồng hồ. Nửa đêm khi bé trở mình chỗ nằm bị ướt sũng mặc dù em không mặc nhiều áo cho bé và hôm đó thời tiết khá là mát mẻ. Mấy ngày đầu bé chỉ ra mồ hôi thôi. Khi thấy bé ra nhiều như vậy thì em cũng có dùng khăn lau khô người cho bé. Nhưng mấy ngày sau em bắt đầu thấy bé có biểu hiện lạ lắm, bé hay bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm, trằn trọc khó ngủ, ban ngày thì ăn ít hơn, cũng ít nô đùa hơn trước. Em muốn hỏi bé đang bị bệnh gì và cách xử lý ra sao?

Chị Mai Phương (Hải Phòng)

Đáp: Dựa vào những triệu chứng chị miêu tả thì bé nhà mình đã mắc phải chứng ra mồ hôi trộm. Chị cần quan sát thêm bé để tìm ra nguyên nhân trẻ bị mồ hôi trộm. Từ đó để tìm ra giải pháp cho phù hợp.

1. Quan sát tình trạng đổ mồ hôi của trẻ

tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ

Quan sát tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ để tìm ra nguyên nhân và cách xử lý phù hợp

Ra mồ hôi là cách cơ thể trẻ tự cân bằng nhiệt khi nóng do vận động hoặc thời tiết. Tuy nhiên, trẻ ra mồ hôi nhiều ngay cả trong trạng thái tĩnh và thời tiết lạnh. Đồng thời, kèm một vài biểu hiện như: Mất ngủ, ngủ không sâu, tiểu tiện nhiều, biếng ăn thì có thể bé mắc một số bệnh sau:

  • Âm hư, thận yếu

Trẻ nhỏ chức năng thận chưa hoàn thiện. Theo Y học cổ truyền, âm dương trong cơ thể cân bằng. Nhưng trẻ nhỏ, phần âm bị thiếu hụt còn gọi là thận âm hư. Thận âm hư khiến trẻ nóng trong, miệng khô khát, háo nước. Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, lòng bàn tay, bàn chân nóng và đổ mồ hôi trộm.

  • Thiếu Canxi

Canxi quan trọng trong việc ổn định hệ thần kinh và hệ xương của bé. Thiếu Canxi trẻ hay giật mình, khó ngủ, ngủ không sâu, ra mồ hôi trộm về đêm, chậm mọc răng, biếng ăn, nhận thức chậm với xung quanh.

  • Thiếu Vitamin D

Bố mẹ có thể nhận biết trẻ thiếu Vitamin D qua các dấu hiệu: Trẻ hay bị ra mồ hôi trộm ở vùng trán khi ngủ, rụng tóc vùng gáy, rối loạn tiêu hóa, còi xương, suy dinh dưỡng…

  • Chứng tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi là mồ hôi đổ ra quá nhiều mà không phải do nô đùa, chạy nhảy hay thời tiết nóng. Biểu hiện là lòng bàn tay, bàn chân và ở nách luôn dính ướt. Bố mẹ có thể sờ vào các vị trí trên của bé để xác định chứng bệnh này.

2. Trẻ bị mồ hôi trộm phải làm sao?

Khi phát hiện ra trẻ bị mồ hôi trộm bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và tiến hành thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời. Dưới đây là một số cách giúp trẻ hạn chế ra mồ hôi trộm hiệu quả.

2.1. Bổ sung đủ nước

trẻ bị mồ hôi trộm phải làm sao - bổ sung nước

Bổ sung nước cho trẻ bị mồ hôi trộm để bù lại lượng nước đã mất

Trong mồ hôi có đến 95% là nước còn lại là các chất điện giải và cặn bã. Trẻ bị ra mồ hôi nhiều sẽ khiến cơ thể bị mất nước gây háo nước. Vì vậy bố mẹ nên cho bé uống đủ nước mỗi ngày để giảm thiểu tình trạng này.

Lượng nước bổ sung mỗi ngày phụ thuộc vào cân nặng và độ tuổi của bé, vì vậy bố mẹ cũng nên chú ý để bổ sung phù hợp.

Với bé 3 tuổi lượng nước cần bổ sung 1 ngày khoảng hơn 1 lít. Nước bao gồm nước trắng thông thường và sữa. Nếu bố mẹ đã bổ sung sữa cho bé thì nên giảm lượng nước xuống. Ví dụ bé nặng 13kg lượng nước cần bổ mỗi ngày là 1,2 lít. Nếu trẻ đã được uống khoảng 500ml sữa rồi thì lượng nước cần bổ sung còn lại là 700ml.

2.2. Lau khô mồ hôi, giữ cơ thể trẻ luôn sạch sẽ

Trẻ ra mồ hôi phải dùng khăn bông lau khô kịp thời. Nếu không sẽ khiến mồ hôi thẩm thấu ngược trở vào bên trong gây nhiễm lạnh. Từ đó, dẫn đến bé dễ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp như: ho, viêm phổi, viêm phế quản.

Vì vậy, khi bé ra mồ hôi bố mẹ cần lau khô mồ hôi, thay quần áo mới cho bé. Có thể giảm nhiệt độ nếu cần để bé thoải mái và ngủ ngon giấc hơn.

2.3. Cho trẻ tắm nắng

Cho trẻ tắm nắng là một trong những cách tổng hợp Vitamin D tự nhiên và an toàn. Trong ánh nắng mặt trời lúc 6 – 7h sáng thường có các tia tốt cho sự phát triển của bé. Các tia này dễ dàng hấp thụ qua da và Vitamin D được tổng hợp. Bố mẹ nên cho trẻ tắm nắng mỗi ngày vào khoảng thời gian này.

Chú ý bố mẹ chỉ nên tắm nắng cho bé từ 5 – 10 phút là đủ. Khi tắm nắng thì mặc áo mỏng cho bé. Không nên tắm nắng quá nhiều vì tia UV sẽ hủy hoại làn da non nớt của bé.

2.4. Dùng gối lá đinh lăng

trẻ bị mồ hôi trộm phải làm sao - làm gối lá đinh lăng

Dùng lá đinh lăng làm gối cho trẻ bị mồ hôi trộm

Ngoài công dụng tuyệt vời trong việc giải cảm, trừ phong hàn, tăng cường trí nhớ, lá đinh lăng còn có được dùng làm gối ngủ để điều trị mồ hôi trộm cho các bé. Bố mẹ có thể tham khảo cách làm gối lá đinh lăng dưới đây.

Nguyên liệu chuẩn bị: Lá đinh lăng tươi, vỏ gối, kim chỉ, bông gòn

Cách làm:

  • Bước 1: Lá đinh lăng đem rửa sạch, phơi khô cho ráo nước rồi sao vàng hạ thổ. Việc sao vàng hạ thổ sẽ giúp loại bỏ đi độ ẩm trong lá, tránh cho lá bị ẩm mốc trong quá trình sử dụng đồng thời cũng tạo ra mùi hương đặc trưng giúp cho trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
  • Bước 2: Dùng lá đinh lăng đã sao vàng trộn với bông theo tỉ lệ 1:1 rồi cho vào vỏ gối làm thành gối ngủ cho bé.

Lưu ý: Mỗi một chiếc gối lá đinh lăng có thời gian sử dụng là 8 tháng đến 1 năm. Sau thời gian này mùi hương trên lá cũng không còn bố mẹ nên làm cho bé một chiếc gối mới. Trong quá trình sử dụng vào ngày nắng bố mẹ cũng nên tháo vỏ gối đem giặt, ruột gối đem phơi để tránh ẩm mốc và vi khuẩn gây bệnh.

2.5. Cho trẻ uống nước lá dâu

Lá dâu hay còn gọi là tang diệp có tên khoa học là Folium Mori. Theo Đông y, lá dâu không mùi, vị nhạt, ngọt đắng, tính mát vào hai kinh can, phế. Dùng lá dâu đun lấy nước uống cho bé sẽ giảm đáng kể tình trạng ra mồ hôi trộm.

Nguyên liệu chuẩn bị: 10 – 20g lá dâu tằm.

Cách làm:

  • Lá dâu tằm rửa sạch cho vào nồi nước nồi nấu. Sau khi sôi một lúc thì bắc ra để âm ấm rồi đút cho bé uống.
  • Để cho bé dễ uống hơn bố mẹ nên thêm vào trong nước lá dâu một chút đường. Mỗi ngày bố mẹ cho bé uống khoảng 2 – 3 lần.

2.6. Lá lốt – “Khắc tinh” của mồ hôi trộm

Lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm. Đem lá lốt chế biến thành các món ăn cho trẻ sẽ có tác dụng rất tốt trong việc điều trị mồ hôi trộm.

Nguyên liệu: Lá lốt, thịt xay 50g, hành củ, gia vị nước mắm.

Cách làm: Hành củ đem băm nhỏ rồi trộn đều với thịt băm và gia vị. Gói thịt trong lá lốt sau đó rán vàng.

Một tuần bố mẹ nên cho bé ăn 2 – 3 bữa chả lá lốt để có hiệu quả trị bệnh tốt. Chú ý nên cho bé ăn xen bữa để bé không bị ngán.

2.7. Bổ sung đủ chất dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ loại bỏ được chứng ra mồ hôi trộm.

  • Bố mẹ nên cho trẻ ăn đủ chất bột, đạm, chất béo, Vitamin, khoáng chất và những thực phẩm có tính mát như: rau má, cải ngọt, cải đắng, bí đao, thanh long, cam quýt.
  • Không nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn có tính nóng, chứa nhiều dầu mỡ, các loại quả như mít, sầu riêng… vì các loại thực phẩm này dễ làm cơ thể tiết nhiều mồ hôi, gây khó chịu, nổi mụn hoặc mẩn ngứa.

2.8. Đưa trẻ đi khám

Khi phát hiện thấy trẻ ra mồ hôi trộm kèm theo một số các biểu hiện bất thường như sốt, tinh thần sa sút, rụng tóc, biếng ăn, mất ngủ liên tục… thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chỉ định điều trị kịp thời.

3. Gợi ý các món ăn trị mồ hôi trộm cho trẻ

Trị mồ hôi trộm có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Bố mẹ có thể sử dụng ngay những món ăn hàng ngày cũng có thể giúp trẻ hạn chế mồ hôi trộm. Đây là cách làm hiệu quả, đơn giản mà lại an toàn.

3.1. Cháo sò hến

Trong thịt sò hến có chứa nhiều vitamin và khoáng chất như B12, sắt, đồng, axit omega 3, dùng rất tốt cho những ai bị thiếu máu hoặc bệnh tim mạch. Theo y học cổ truyền, sò và hến có vị ngọt mặn, tính hàn, không độc có tác dụng lợi tiểu và giải nhiệt cơ thể. Vào mùa hè, nhiệt độ cao trẻ hay bị nóng bức và ra nhiều mồ hôi trộm, bố mẹ có thể cho bé ăn cháo sò hến đề cải thiện tình trạng này.

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 100g sò biển, 100g hến, 3g hẹ, 50g gạo xay.  
  • Cách làm:
    • Bước 1: Sò, hến đem rửa sạch luộc chín, thái nhỏ.
    • Bước 2: Rễ cây hẹ đem rửa sạch, giã nhỏ, lọc lấy nước.
    • Bước 3: Gạo xay cho vào nước hẹ, thêm chút nước lọc, khuấy đều, đun nhỏ lửa.
    • Bước 4: Khi cháo chín, cho sò, hến và gia vị vào đảo đều, đun cho cháo sôi lại một lần nữa thì tắt bếp.
  • Cách dùng: Bố mẹ cho trẻ ăn cháo sò hến ngày 1 lần, ăn liên tục trong 3 – 5 ngày để có hiệu quả trị bệnh nhé.

3.2. Cháo cá quả

Cá quả nổi tiếng là món ăn bổ dưỡng và là bài thuốc chữa bệnh cực kỳ hiệu quả. Theo Đông y, cá quả có vị ngọt, tính bình, không độc, dùng để bồi bổ khí huyết và giải nhiệt. Mẹ có thể dùng cá quả nấu thành cháo cho bé ăn sẽ có tác dụng trị mồ hôi trộm rất tốt.

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 200g cá quả, Gạo xay, gia vị.
  • Cách làm:
    • Bước 1: Cá quả đem hấp cách thủy, gỡ lấy thịt nạc.
    • Bước 2: Phần xương của cá quả đem giã nhỏ rồi lọc lấy nước. Chú ý khi lọc nên chọn dụng cụ lọc có mắt nhỏ để xương không bị lọt qua.
    • Bước 3: Cho gạo xay vào nước cá quả khuấy đều và đun trên bếp. Khi cháo chín cho thịt cá vào thêm một chút gia vị cho đậm đà rồi đun sôi.
  • Cách dùng: Bố mẹ cho bé ăn cháo cá quả 1 lần/ngày lúc đói, ăn liền trong 3 – 5 ngày để giảm tình trạng ra mồ hôi trộm.

3.3. Canh rau ngót

Theo Đông y, rau ngót có tính mát và vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận tràng, hỗ trợ điều trị đái đường, táo bón, chảy máu cam, đái dầm và ra mồ hôi trộm.

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 quả bầu dục lợn.
  • Cách làm:
    • Bước 1: Đem rau ngót rửa sạch, bầu đất và bầu dục lợn thái thành các lát nhỏ để trẻ dễ ăn.
    • Bước 2: Cho bầu dục lợn vào nước đun sôi. Khi nước sôi thì cho bầu đất, rau ngót vào, thêm một chút gia vị cho bé dễ ăn hơn. Đun sôi lại và tắt bếp bắc canh ra.
  • Cách dùng: Canh rau ngót là món ăn ngon, bổ dưỡng, bố mẹ có thể cho bé ăn hàng ngày, nhất là những hôm thời tiết nóng bức.

3.4. Chè đậu xanh

trẻ bị mồ hôi trộm phải làm sao - dùng chè đậu xanh

Chè đậu xanh thơm ngon cho trẻ bị mồ hôi trộm

Đậu xanh có tính hàn giúp cơ thể thanh nhiệt giải độc, bớt sưng phù, lở loét, điều hòa ngũ tạng… Dùng đậu xanh nấu thành chè cho trẻ ăn sẽ giảm được tình trạng nóng trong, háo nước, ra mồ hôi trộm.

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 50g đậu xanh, 50g đường, 50g táo tàu.
  • Cách làm:
    • Bước 1: Đậu xanh đãi thật sạch, ngâm với nước trong khoảng 2 giờ.
    • Bước 2: Ninh đậu xanh với lượng nước vừa đủ, khi thấy nước có bọt thì dùng thìa để hớt cho nước trong.
    • Bước 3: Sau khi đậu chín, cho táo đỏ vào ninh đến khi táo nở thì thêm đường cho vừa miệng ăn rồi tắt bếp.
  • Cách dùng: Cháo đậu xanh rất dễ nấu và không mất nhiều thời gian. Bố mẹ cho trẻ ăn 1 lần/ ngày, ăn vào lúc đói trong 3 – 5 ngày liên tiếp để hạn chế tình trạng ra mồ hôi trộm.

Trên đây là một số biện pháp giúp các bậc phụ huynh trả lời câu hỏi: “Trẻ bị mồ hôi trộm phải làm sao?”Tùy theo tình trạng của bệnh mà bố mẹ nên có các biện pháp xử lý phù hợp. Ngoài cách cho trẻ dùng thuốc bố mẹ cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng để bổ sung các chất thiết, chăm sóc trẻ đúng cách như giữ trẻ luôn thoáng mát, tắm nắng thường xuyên tránh cho trẻ bị thiếu chất, bị nóng sẽ rất dễ ra mồ hôi trộm. Chúc các bé luôn khỏe mạnh, thông minh!

[Hỏi – Đáp] Trẻ bị mồ hôi trộm phải làm sao?
5 (100%) 1 vote

Tags :

Bình luận cho bài viết

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC