Các món ăn và bài thuốc để phòng, chống mồ hôi trộm cho bé

Đăng bởi Dược sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền | Đăng lúc : 22/03/2023 14:14:19

Hỏi: Chị ơi em lo quá! Bé nhà em được 7 tháng tuổi rồi. Dạo gần đây bé bắt đầu xuất hiện hiện tượng đổ mồ hôi trộm khi ngủ. Em không biết phải làm thế nào để chống mồ hôi trộm cho bé. Rất mong được sự tư vấn của chuyên gia ạ. Em xin cám ơn.

Mẹ Bơ (Đà Lạt)

Đáp: Bạn thân mến, đổ mồ hôi trộm là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi và trẻ nhỏ. Do đó trường hợp mà bé nhà bạn đang gặp phải không quá đáng ngại. Bạn không nên lo lắng quá. Tuy nhiên tình trạng này nếu kéo dài cũng không tốt, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Bé có thể dễ cảm lạnh hoặc mắc viêm phế quản… Vì vậy việc điều trị dứt điểm cũng là điều hết sức cần thiết.

Dưới đây là những điều bạn cần biết và cách ngăn ngừa mồ hôi trộm ở trẻ. Bạn có thể tham khảo và thực hiện.

1. Cách ngăn ngừa chứng đổ mồ hôi trộm ở trẻ

Duy trì lối sống lành mạnh để phòng chống mồ hôi trộm cho bé

Duy trì lối sống lành mạnh để phòng chống mồ hôi trộm cho bé

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đổ mồ hôi trộm ở bé có thể là do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết như Vitamin D, Canxi… hoặc cũng có thể do bố mẹ ủ con quá kỹ, phòng ngủ bí bách. Chính vì vậy mẹ cần:

  • Bổ sung đủ chất dinh dưỡng.
  • Tắm nắng thường xuyên: Cách này giúp bổ sung Vitamin D cho cơ thể bé. Ánh nắng mặt trời sẽ giúp biến tiền Vitamin D thành Vitamin D, nhờ đó bổ sung Vitamin D thiếu hụt và giúp tổng hợp Canxi. Vì vậy ngăn ngừa tình trạng đổ mồ hôi trộm. Thời gian tắm nắng tốt nhất cho trẻ là vào buổi sáng. Tùy theo mùa, mùa đông có thể tắm muộn hơn, mùa hè sớm hơn. Không tắm vào buổi trưa và chiều vì trong ánh nắng mặt trời lúc này có nhiều tia cực tím ảnh hưởng xấu đến da. Tắm nắng trong thời gian này kéo dài sẽ dễ gây ung thư da.
  • Dọn dẹp phòng ngủ: Dọn dẹp phòng ngủ sẽ giúp phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát.
  • Tránh cho trẻ mặc quần áo dày/đắp nhiều chăn khi ngủ: Để tránh trường hợp trẻ cảm thấy nóng nực và đổ mồ hôi. Nếu không được lau khô gây khó chịu, ngứa ngáy cho trẻ.
  • Thay đổi tư thế ngủ: Trẻ nhỏ thường có thói quen duy trì duy nhất một tư thế nằm ngủ và dùng gối ruột bông. Điều này sẽ khiến bé ra mồ hôi trộm nhiều ở đầu. Mẹ có thể thay đổi tư thế nằm ngủ, thay ruột gối ngủ bằng lá đinh lăng,… để đầu trẻ luôn trong trạng thái thoáng mát.

2. Làm gì để chống mồ hôi trộm cho bé?

Để giải quyết tình trạng đổ mồ hôi trộm cho bé trước tiên cần xác định được nguyên nhân gây nên tình trạng đó là gì. Từ đó mới tìm được phương án xử lý chính xác được.

2.1. Xác định nguyên nhân trẻ bị đổ mồ hôi trộm

Xác định đúng nguyên nhân để tìm cách chống mồ hôi trộm cho bé

Xác định đúng nguyên nhân để tìm cách chống mồ hôi trộm cho bé

Có 2 nguyên nhân chính gây đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là: Nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân sinh lý. Trong đó:

  • Mồ hôi trộm sinh lý xảy ra do sự trao đổi chất diễn ra ở trẻ nhỏ mạnh hơn người lớn. Chỉ cần trẻ bị kích thích hay hưng phấn, mồ hôi sẽ tiết ra nhiều để giảm nhiệt. Đây là phản ứng tự nhiên giúp cơ thể bé điều hòa nhiệt độ. Mồ hôi trộm sinh lý thường diễn ra vào lúc bé đi ngủ khoảng 30 phút. Và sau 1 giờ đồng hồ thì sẽ không còn bị đổ mồ hôi nữa. Biểu hiện của mồ hôi trộm sinh lý là mô hôi thường ra nhiều ở vùng đầu và cổ.
  • Mồ hôi trộm bệnh lý có các biểu hiện như trẻ đổ mồ hôi trộm ở trán, gáy ngay cả khi trời lạnh. Thời gian đổ mồ hôi do bệnh lý lâu hơn mồ hôi trộm sinh lý. Có nghĩa là sau hơn 1 tiếng đi ngủ trẻ vẫn bị đổ mồ hôi. Bên cạnh đó trẻ còn kèm theo các biểu hiện khác như: Bứt rứt, khó chịu, ngủ không ngon giấc, hay giật mình lúc ngủ và hay quấy khóc. Mồ hôi trộm bệnh lý xảy ra do trẻ bị mắc bệnh còi xương, thiếu Vitamin D3, thận âm hư, lao, bị bệnh tim, bệnh tăng tiết mồ hôi…

2.2. Cách điều trị chứng đổ mồ hôi trộm cho bé

Sau khi xác định được nguyên nhân thì cần tìm cách khắc phục ngay. Không nên để tình trạng này kéo dài sẽ khiến sức khỏe của bé bị suy giảm. Vì đổ mồ hôi trộm kéo dài có thể làm bé chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng…

Các mẹ có thể cải thiện chứng đổ mồ hôi trộm cho bé thông qua các phương pháp dân gian như: Cháo trai, cháo nếp cẩm, nước lá dâu, cá quả, thục địa, hoài sơn ( các vị thuốc bổ âm)…

2.2.1. Cháo trai

Cháo trai chống mồ hôi trộm cho bé

Món cháo trai thơm ngon cho trẻ đổ mồ hôi trộm

Cháo trai là món ăn chống mồ hôi trộm cho bé hiệu quả. Không những thế, đây còn là món ăn thơm ngon, bổ dưỡng dành cho trẻ.

Nguyên liệu để nấu món cháo trai cần chuẩn bị gồm:

  • Con trai: 500g
  • Gạo tẻ: 100g
  • Gạo nếp: 100g
  • Một số nguyên liệu khác: Hành khô, rau răm, hành tươi, gừng, gia vị, dầu ăn.

Cách thực hiện như sau:

  • Trai mua về ngâm trong nước vo gạo khoảng 1 đến 2 giờ để trai nhả hết cát. Sau đó đem rửa sạch lại rồi cho vào nồi luộc.
  • Khi trai đã mở miệng thì vớt ra. Đợi nước luộc trai lắng xuống rồi gạn lấy nước trong để nấu cháo. Riêng phần trai sau khi vớt ra thì sơ chế sạch sẽ, thái nhỏ.
  • Bắc chảo lên bếp rồi cho dầu ăn vào đun nóng, phi thơm hành khô rồi cho thịt trai vào xào săn, thêm chút gia vị cho vừa miệng.
  • Về phần gạo nếp và gạo tẻ thì vo kĩ, ninh với nước luộc trai đến lúc mềm thì cho thịt trai đã xào vào ninh một lúc nữa thì tắt bếp.
  • Múc cháo ra bát, chờ cho cháo nguội một chút thì có thể cho thêm rau răm cho thơm nếu trẻ ăn được rau răm.

2.2.2. Cháo nếp cẩm

Sử dụng nếp cẩm còn nguyên cám để nấu cháo cho trẻ nhỏ chống mồ hôi trộm. Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà mẹ có thể chế biến theo các cách khác nhau.

  • Đối với trẻ đang ăn dặm mẹ xay bột nếp cẩm hòa với cháo hoặc bột ăn dặm của bé. Mỗi bữa ăn của bé mẹ cho vào 1/2 thìa cà phê bột gạo nếp cẩm.
  • Đối với trẻ lớn hơn, có thể cho một nắm gạo nếp cẩm ninh thành cháo và dùng trong vài tuần.

2.2.3.Lá dâu

Chữa mồ hôi trộm bằng lá dâu là một trong những cách chữa mồ hôi trộm theo cách dân gian rất phổ biến.

Với cách này, bạn cần sử dụng 10g lá dâu tằm, 5g rau má (có thể sử dụng lá đã phơi khô hoặc lá tươi đều được). Cách làm như sau:

  • Lá dâu và lá rau má rửa sạch sau đó cho vào ấm hãm như hãm trà.
  • Đợi một lúc cho nước từ lá dâu và lá rau má ra thì rót uống được. Nên uống lúc ấm để ngon hơn.
  • Nên uống nước lá dâu hàng ngày và uống liên tục trong 5 ngày tình trạng đổ mồ hôi sẽ được cải thiện. Nếu chưa cải thiện có thể tiếp tục uống thêm một thời gian nữa.

Ngoài lá dâu, bạn còn có thể chữa mồ hôi trộm bằng lá lốt, lá đinh lăng cũng rất hiệu quả.

2.2.4. Cháo cá quả

Cháo cá quả chống mồ hôi trộm cho bé

Cháo cá quả chống mồ hôi trộm cho bé

Nguyên liệu: 200g cá quả, 50g bột gạo tẻ, gia vị, một chút dầu ăn.

Cách thực hiện:

  • Cá quả sau khi làm sạch, hấp cách thủy thì gỡ lấy thịt nạc, ướp gia vị khoảng 15 phút cho ngấm.
  • Còn xương cá thì giã nhỏ lọc lấy 200ml nước sau đó cho bột gạo vào khuấy đều. Chú ý đun lửa nhỏ để cháo ngon hơn.
  • Sau khi cháo chín thì cho thịt cá vào khuấy đều rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng, đợi đến khi cháo sôi lại là hoàn thành món cháo.
  • Đối với món cháo cá quả nên cho bé ăn ngày 1 lần lúc đói, ăn liền 3 – 5 ngày để chấm dứt tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ.

3. Các triệu chứng đáng lo đi kèm chứng đổ mồ hôi trộm

Khi trẻ bị đổ mồ hôi trộm kèm theo một số triệu chứng khác như dưới đây thì nên đưa trẻ đi khám ngay bởi đây là những dấu hiệu của đổ mồ hôi trộm bệnh lý.

  • Bị sốt thường xuyên
  • Tinh thần sa sút
  • Rụng tóc, đầu tóc lưa thưa, thóp đầu chậm liền
  • Chậm mọc răng, chậm biết bò, chậm biết đi,…

Mẹ không nên để tình trạng này kéo dài vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

Như vậy để chống mồ hôi trộm cho bé, trước hết mẹ cần xác định được nguyên nhân của tình trạng đổ mồ hôi là gì, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, đúng đắn. Lưu ý nếu mẹ điều trị chứng đổ mồ hôi trộm cho bé bằng các phương pháp dân gian mà không phát huy tác dụng thì nên đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế uy tín để kịp thời điều trị.

Đọc thêm: 3 bài thuốc và 6 món ăn trị mồ hôi trộm cho bé

Các món ăn và bài thuốc để phòng, chống mồ hôi trộm cho bé
5 (100%) 1 vote

Tags :

Bình luận cho bài viết

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC