Hỏi: Con trai tôi 6 tháng tuổi cân nặng 7,5kg, chiều cao 70cm. Gần đây tôi thấy cháu hay ra mồ hôi ở đầu, lưng và sau gáy mỗi khi ngủ. Mặc dù hôm đó thời tiết không nóng và tôi cũng không đắp nhiều chăn cho cháu. Bình thường cháu bú đêm và ngủ rất ngoan nhưng gần đây tôi cũng thấy cháu có những biểu hiện lạ như bú ít, hay giật mình tỉnh giấc, quấy khóc cả đêm. Xin hỏi cháu đang bị bệnh gì và cách xử lý thế nào?
(Bố cháu Huy Hoàng – Hải Phòng)
Đáp: Ra mồ hôi là rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhất là giai đoạn dưới 6 tháng tuổi. Vì mồ hôi thường tiết ra khi trẻ đang ngủ nhất là vào ban đêm nên dân gian thường hay gọi là “mồ hôi trộm”. Mồ hôi trộm là một trong các nguyên nhân khiến trẻ bị viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi, còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn. Vì vậy, bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân và có các biện pháp điều trị kịp thời.
1. Trẻ 6 tháng ra mồ hôi trộm có phải hiện tượng bình thường không?
Ra mồ hôi trộm là hiện tượng bình thường và không gây hại đến sức khỏe của trẻ. Đây là cách để trẻ tự cân bằng nhiệt độ cơ thể mình khi thân nhiệt quá cao. Tuy nhiên nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng giấc ngủ của trẻ. Bố mẹ có thể nhận biết tình trạng đổ mồ hôi của trẻ qua các triệu chứng dưới đây:
1.1. Triệu chứng bình thường
Bé thường ra mồ hôi ở đầu và cổ, phát sinh trong khoảng 30 phút trước khi ngủ và chỉ kéo dài trong thời gian tối đa là 60 phút, sau đó thì mồ hôi không tiết ra nữa. Mồ hôi thường tiết ra khi trẻ bị quá nóng do mặc nhiều quần áo khi ngủ, bố mẹ đắp nhiều chăn và phòng ngủ không được thông thoáng.
1.2. Triệu chứng bất thường
Nếu trẻ ra nhiều mồ hôi vào ban đêm kèm theo đó là một vài biểu hiện như quấy khóc, ngủ không yên giấc, biếng ăn… thì đây có thể là các dấu hiệu cảnh báo bé đang mắc phải một số loại bệnh như:
1.2.1. Rối loạn hệ thần kinh thực vật
Hệ thần kinh thực vật chi phối các hoạt động mang tính chất tự động của cơ thể như: tiêu hóa, bài tiết, dinh dưỡng…
Hệ thần kinh thực vật chia làm hai loại là giao cảm và phó cảm. Trong đó giao cảm tăng cường chức năng tự động còn phó cảm lại làm giảm các chức năng tự động này. Ở trẻ nhỏ hệ thần kinh thực vật chưa hoàn thiện nên rất dễ xảy ra tình trạng rối loạn chức năng. Chỉ một kích thích nhỏ như nóng hoặc stress … có thể khiến trẻ tiết mồ ra nhiều mồ hôi liên tục trong thời gian dài.
1.2.2. Thiếu Vitamin D
Hầu hết trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống bị ra mồ hôi trộm là do thiếu vitamin D. Vì Vitamin D có ảnh hưởng đến việc hấp thụ Canxi và photpho qua đường tiêu hóa của bé nên khi bị thiếu trẻ sẽ dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, rụng tóc vành khăn và hay ra mồ hôi trộm.
1.2.3. Thiếu Canxi
Canxi là chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Thiếu canxi trẻ ngủ hay bị giật mình, khóc thét, co cứng toàn thân, chân tay tím tái, tóc rụng thành đường hình vành khăn, bú kém hoặc bỏ bú, hay bị ọc sữa, nấc cụt và đặc biệt là ra nhiều mồ hôi trộm vào ban đêm.
1.2.4. Thận âm hư
Ở trẻ nhỏ chức năng của thận chưa hoàn thiện. Theo Y học cổ truyền, âm dương trong cơ thể con người cân bằng, nhưng ở trẻ nhỏ phần âm bị thiếu hụt hay còn gọi là thận âm hư. Thận âm hư là nguyên nhân khiến trẻ bị nóng trong, miệng khô khát, háo nước, cơ thể mệt mỏi suy nhược, lòng bàn tay bàn chân nóng và đổ mồ hôi trộm.
1.2.5. Còi xương, suy dinh dưỡng
Còi xương suy dinh dưỡng là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi do thiếu vitamin D làm cho việc chuyển hóa canxi và phốt pho bị rối loạn. Trẻ bị còi xương thường đi kèm các biểu hiện ngủ không ngon, đổ mồ hôi nhiều, bị rôm sảy hoặc tóc mọc ít ở phía trước và sau gáy.
2. Cảnh báo tác hại và biến chứng khi chứng mồ hôi trộm kéo dài
Đổ mồ hôi trộm kéo dài sẽ khiến cho trẻ dễ mắc phải một số loại bệnh liên quan đến đường hô hấp, trẻ biếng ăn, còi xương và chậm phát triển cả về trí tuệ thể chất tinh thần.
2.1. Bệnh cảm lạnh, viêm đường hô hấp
Mồ hôi trộm thường tiết ra vào ban đêm nên nhiều mẹ khó phát hiện. Nếu không dùng khăn khô lau kịp, lượng mồ hôi này có thể thấm ngược trở lại vào trong khiến cho bé bị nhiễm lạnh gây cảm, ho và viêm đường hô hấp.
2.2. Làm nặng hơn tình trạng thiếu Canxi
Trong thành phần của mồ hôi có chứa 95% là nước còn lại là các chất muối khoáng như Canxi, Kali và một số chất cặn bã khác. Nếu bé bị ra mồ hôi trộm quá nhiều thì lượng Canxi bị hao hụt ra bên ngoài càng lớn. Canxi có vai trò kìm hãm sự kích thích của hệ thống thần kinh. Thiếu Canxi trầm trọng sẽ khiến trẻ mất ngủ, hay quấy khóc, dễ ọc sữa.
2.3. Rối loạn tiêu hóa
Ra mồ hôi nhiều sẽ khiến trẻ bị háo nước, cơ thể nóng, dễ mệt mỏi, táo bón và chán ăn dần dần dẫn đến suy dinh dưỡng, còi xương, chậm lớn.
2.4. Rôm sẩy, viêm da
Khi mồ hôi ra nhiều sẽ làm cho các lỗ chân lông nở rộng, tạo điều kiện để các chất cặn bã tích tụ lại gây rôm sẩy, mụn nhọt, mẩn ngứa, thậm chí là viêm da.
2.5. Ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất
Canxi cũng là loại chất ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và đặc biệt rất cần cho sự phát triển của xương khớp của trẻ. Ra mồ hôi trộm làm cơ thể bị thiếu hụt canxi khiến trẻ nhận thức chậm, khó thích ứng với mọi thứ xung quanh, trẻ biết đi muộn, cơ bắp lỏng lẻo, mềm yếu, chân dễ bị vòng kiềng.
3. Cách giúp trẻ 6 tháng hết đổ mồ hôi trộm
3.1. Bố mẹ cần làm gì khi trẻ đổ mồ hôi trộm?
Khi thấy trẻ đổ mồ hôi trộm bố mẹ nên xác định nguyên nhân bé bị ra mồ hôi và tiến hành các biện pháp khắc phục kịp thời như:
3.1.1. Bổ sung Vitamin D và Canxi qua đường uống
Vitamin D và Canxi có thể được bổ sung vào cơ thể qua đường uống. Ứng với mỗi độ tuổi khác nhau thì lượng Vitamin D và Canxi cần thiết bổ sung vào cơ thể là khác nhau, vì vậy bố mẹ nên tham khảo liều lượng và các chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng cho bé. Với trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi liều lượng Canxi cần bổ sung mỗi ngày là 300mg/ngày và Vitamin D là 400UI/ngày.
Canxi và Vitamin D là hai loại chất hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Trong đó Vitamin D ảnh hưởng đến việc tổng hợp Canxi và phốt-pho vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa. Bổ sung Canxi mà không bổ sung vitamin D thì cơ thể cũng không tổng hợp Canxi được. Chính vì vậy bố mẹ nên bổ sung hai loại chất này song song với nhau.
3.1.2. Lau khô người cho bé
Khi thấy trẻ đổ mồ hôi trộm, bố mẹ nên dùng khăn bông để lau khô mồ hôi cho trẻ, tránh để cho trẻ bị nhiễm lạnh gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
3.1.3. Giữ cho cơ thể trẻ luôn được thoải mái, thoáng mát
Ở trẻ 6 tháng, thân nhiệt thường cao hơn so với người lớn nên khi bé ở nhà bố mẹ không cần phải mặc quần áo cho bé quá nhiều, khi bé ngủ nên giữ nhiệt độ phòng thoáng mát và hạn chế đắp quá nhiều chăn. Như vậy trẻ sẽ ngủ ngon hơn và bớt ra mồ hôi vào ban đêm.
3.1.4. Cho trẻ uống nước đầy đủ
Với trẻ 6 tháng mẹ nên bổ sung lượng nước bị thiếu bằng cách cho bé bú đủ cữ và uống thêm một chút nước. Lượng nước sẽ tùy thuộc vào cân nặng và nhu cầu của trẻ.
3.2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 6 tháng ra mồ hôi trộm
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hạn chế chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ.
- Các chất cần bổ sung: Bố mẹ nên cho bé ăn đủ các chất như bột, đạm, chất béo, vitamin, các thực phẩm có tính mát như rau xanh (xay chung nấu với bột), hoa quả (ép thành nước uống)… không nên cho bé ăn thực phẩm có tính nóng vì dễ làm cho bé bị nóng trong, tiết nhiều mồ hôi, nổi mụn và mẩn ngứa.
- Cho trẻ bú sữa mẹ: Trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi nguồn dinh dưỡng chủ yếu được nạp vào cơ thể là thông qua sữa mẹ. Trong sữa mẹ có nguồn Canxi dồi dào vì vậy mẹ nên cho bé bú đủ sữa để trẻ không bị thiếu Canxi gây đổ mồ hôi trộm.
- Một số món ăn hạn chế chứng ra mồ hôi trộm: Khi trẻ được 6 tháng tuổi ngoài sữa mẹ thì bé cũng có thể bắt đầu tập ăn dặm bằng các món cháo xay nhuyễn. Ở một số loại thực phẩm như trai, sò, hến, cá quả trong thành phần có nhiều Canxi không chỉ giúp hệ xương phát triển mà còn hạn chế được tình trạng ra mồ hôi trộm. Vì vậy, bố mẹ có thể sử dụng các loại thực phẩm này nấu thành cháo trai, cháo sò, cháo hến, cháo cá quả… cho bé ăn đan xen các bữa trong ngày. Sau một thời gian sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
3.3. Cho trẻ tắm nắng thường xuyên
Tắm nắng cho trẻ là cách để trẻ tự tổng hợp vitamin D an toàn, tự nhiên. Mỗi ngày bố mẹ nên cho bé tắm nắng từ 5 -10 phút trong khoảng thời gian từ 6 – 7h sáng. Vì thời điểm này, ánh sáng mặt trời chứa nhiều tia xạ tốt, dễ hấp thu qua da, Vitamin D sẽ được tổng hợp. Lưu ý không nên tắm nắng cho bé quá nhiều vì sẽ gây hại cho da bé và bé dễ bị ốm.
3.4. Điều trị chứng âm hư
Thận âm hư là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ra mồ hôi trộm. Theo Đông y, để điều trị chứng thận âm hư thì phải dùng các vị thuốc có tính mát, giúp thanh nhiệt, mát máu, tư âm dưỡng huyết như: Thục địa, thạch hộc, hoài sơn.
3.4.1. Bài thuốc 1: Lục vị hoàn
- Thành phần:
- Thục địa: 24g
- Đan bì: 9g
- Sơn thù: 12g
- Bạch linh: 9g
- Hoài sơn: 12g
- Trạch tả: 9g
- Cách dùng: Đem trộn lẫn và sắc thành nước uống, ngày uống từ 2 – 3 lần.
3.4.2. Bài thuốc 2: Bài thuốc cổ truyền từ thục địa, thạch hộc, hoài sơn
- Thành phần:
- Thục địa: 25g
- Thạch hộc: 15g
- Táo chua: 10g
- Tỳ giải: 15g
- Hoài sơn: 15g
- Củ súng: 20g
- Cách dùng: Bố mẹ có thể sắc thành nước thuốc và cho bé uống. Duy trì liên tục sau một thời gian trẻ sẽ hết ra mồ hôi trộm.
4. Cách giúp trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm
Giấc ngủ của trẻ trong những năm đầu đời rất quan trọng. Trẻ ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc vào ban đêm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và trí tuệ. Vì vậy, bố mẹ hãy thực hiện một số biện pháp dưới đây để giúp trẻ có giấc ngủ trọn vẹn nhé.
4.1. Tạo thói quen tốt khi ngủ
Nhiều trẻ thức đêm, quấy khóc là vì ban ngày đã ngủ quá nhiều. Vì vậy, ngay từ khi trẻ được vài tuần tuổi, đã nhận thức được ban ngày và ban đêm thì bố mẹ nên tạo cho bé thói quen chơi ngày và ngủ đêm. Ban ngày nên để phòng sáng và chơi với bé nhiều hơn. Ban đêm nên tắt đèn để trẻ làm quen với việc ngủ khi có bóng tối.
4.2. Không cho trẻ hoạt động quá nhiều trước khi đi ngủ
Ở trẻ nhỏ hệ thần kinh thực vật chưa hoàn thiện. Do đó, nếu bé hoạt động quá nhiều trước khi ngủ cơ thể sẽ ở trong trạng thái kích thích và hưng phấn khiến trẻ khó ngủ hơn.
4.3. Chỉ cho con ăn vừa đủ no
Ăn quá no sẽ làm trẻ bị chướng bụng, trằn trọc, nôn trớ, khó ngủ. Vì vậy, trước khi ngủ bố mẹ nên cho bé ăn vừa phải để trẻ dễ chìm vào giấc ngủ.
4.4. Để trẻ ngủ trong phòng thoáng mát, ít tiếng ồn
Phòng thoáng mát sẽ giúp cho cơ thể bé không bị nóng bức, ra mồ hôi trộm, gây khó ngủ, mất ngủ. Trước khi bé ngủ bố mẹ nên kiểm tra nhiệt độ phòng và hạn chế tiếng động để bé không bị giật mình, ngủ sâu giấc hơn.
4.5. Luôn mặc đồ thoáng mát cho con khi ngủ
Trước khi bé ngủ bố mẹ nên tắm rửa và thay quần áo sạch sẽ cho bé để bé không bị ngứa ngáy, khó chịu. Khi ngủ không cần phải mặc quần áo quá nhiều vì bé sẽ bị nóng, ra nhiều mồ hôi và tỉnh giấc. Quần áo bố mẹ mặc cho bé nên chọn loại quần áo rộng rãi, thoải mái vận động và thấm hút mồ hôi tốt.
4.6. Đắp chăn mỏng vừa phải
Trẻ nhỏ thân nhiệt thường cao hơn người lớn nên bố mẹ không cần đắp chăn cho bé quá nhiều khi ngủ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu thân nhiệt cao, người đổ mồ hôi, bố mẹ nên bỏ bớt chăn và áo để trẻ cảm thấy thoáng mát và thoải mái hơn từ đó ngủ cũng ngon giấc hơn.
4.7. Kiểm tra tã của con
Tã quần bị ướt sẽ khiến bé khó chịu và thức dậy giữa đêm. Vì vậy bố mẹ cần để ý đến giờ thay tã cho bé. Khi thay tã cần nhẹ nhàng để bé không bị tỉnh giấc. Nếu thấy bé cựa quậy thì nên vỗ về để bé ngủ tiếp.
Trên đây là một số biện pháp hạn chế tình trạng trẻ 6 tháng ra mồ hôi trộm và có một giấc ngủ ngon hơn.
Nhìn chung ra mồ hôi trộm thường không quá nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên trong một số trường hợp nếu bé bị ra mồ hôi trộm kèm theo những dấu hiệu bất thường như sốt, tinh thần sa sút, chậm mọc răng, liền thóp, biết bò… bố mẹ nên đưa trẻ đi đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
“Với 9 năm kinh nghiệm là chuyên gia tư vấn hàng đầu về Y dược của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, tôi không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đem lại những thông tin hữu ích cho người bệnh.”
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.